05:14 13/05/2017

Phú Thọ: Phớt lờ chỉ đạo của tỉnh, doanh nghiệp vẫn khai thác cát sỏi trên sông Lô

Bất chấp các ý kiến chỉ đạo và các quy định của tỉnh Phú Thọ, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, vẫn cho tàu vào khai thác cát làm sụt lở mất nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân, gây bức xúc trong dư luận, mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Mất đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng an ninh trật tự

Có mặt tại đoạn sông Lô thuộc các khu 8, 9 xã Tử Đà, huyện Phù Ninh chiều 11/5, ba tàu phao của Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, đang tiến sát bờ để khai thác cát. Tại khu vực đang khai thác, hàng trăm mét đất canh tác nông nghiệp của người đã bị sạt lở rơi xuống sông Lô. Có đoạn bị khoét sâu tạo thành hàm ếch cao tới cả chục mét. Nhiều năm nay, người dân xã Tử Đà bất lực nhìn từng thước đất canh tác nông nghiệp từ bao đời nay dần dần “biến mất” do tình trạng khai thác cát.

Tàu khai thác cát làm sạt lở đất nông nghiệp tại khu vực sông Lô thuộc địa bàn hai xã Trưng Vương và xã sông Lô (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Người dân khu 8, 9 xã Tử Đà cho biết, đã nhiều lần người dân tập trung đông người ra sông đuổi tàu nhưng không được, tàu khai thác cát của doanh nghiệp Thái Sơn ngày càng khai thác lấn sâu vào đất canh tác của người dân. Người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên xã về tình trạng khai thác cát làm mất đất canh tác nông nghiệp nhưng xã không giải quyết được.

Ông Hà Kế Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Tử Đà cho biết, tháng 2/2017, xã đã nhận được trình báo của nhân dân về việc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn khai thác cát sỏi làm sạt lở đất sản xuất của người dân khu 8, 9. Xã đã lập đoàn kiểm tra phát hiện 3 tàu phao có gắn phễu sàng cát tại khu vực soi Âm Sa làm 2 vị trí bị sạt lở đất nông nghiệp xuống sông Lô. Vị trí 1 đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện tích đất khu 8 bị sạt lở xuống sông với chiều dài 128 mét, chiều rộng từ 3 mét làm mất trên 384 m2 đất nông nghiệp đang trồng hoa màu của người dân. Vị trí 2 thuộc đất sản xuất nông nghiệp tại khu 9 bị sạt xuống sông với chiều dài 10 m, chiều rộng bình quân 5,5 m, làm mất 55 m2 đất nông nghiệp.

Xã Tử Đà đã yêu cầu Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn bồi thường thỏa đáng phần diện tích đất nông nghiệp của các hộ bị sạt lở do hành vi khai thác cát sỏi gây ra; yêu cầu công ty có trách nhiệm cắm mốc giới, phao tiêu chỉ giới vị trí khai thác, tuân thủ thời gian khai thác đúng biên bản cam kết với các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, xã đã xin ý kiến chỉ đạo của huyện, thông báo tới Công an huyện Phù Ninh về tình trạng khai thác cát làm mất đất sản xuất nông nghiệp của dân.

Tuy nhiên đến nay, mọi việc vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn vẫn tiếp tục cho tàu khai thác làm mất nhiều diện tích đất nông nghiệp đang canh tác của người dân. Hơn 60 hộ dân đã bị sạt lở có đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Công ty vẫn không thực hiện cắm mốc giới, phao tiêu chỉ giới vị trí khai thác, gây bức xúc trong dân, làm mất an ninh trật tự.

Ông Tài cho biết thêm, đầu tháng 12/2016, tại khu vực khai thác cát thuộc khu 8, 9 xã Tử Đà, người dân đã phát hiện 4 quả mìn tự chế, với 7 kíp nổ được cài đặt tại khu vực gây sạt lở. Rất may, lực lượng chức năng đã tháo gỡ kịp thời và tiến hành điều tra làm rõ.

Phớt lờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh

Tại công văn 898-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 12/7/2013 nêu rõ, đối với dự án đầu tư, khai thác cát, sỏi lòng sông Lô tại xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, chỉ tiến hành giao diện tích lòng sông, không được giao đất bãi đang canh tác, nghiêm cấm việc khai thác vượt ranh giới mỏ được giao, vượt quá giới hạn độ sâu cho phép, khu vực cấm, khu vực chưa có phép, không gây sạt lở bờ sông, tác động xấu đến môi trường, không làm ảnh hưởng đến dòng chảy, đảm bảo công trình đê và an toàn giao thông.

Tàu khai thác cát tập trung trên sông Lô. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Bên cạnh đó, trong giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp cho Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn cũng quy định rất rõ: Trong quá trình khai thác phải thực hiện đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất quy định của giấy phép khai thác; thực hiện đầy đủ nội dung cam kết bảo vệ môi trường và phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật; phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ khu vực lân cận, không gây sạt lở bờ sông, không để các đối tượng, các tổ chức, cá nhân tự ý mua bán đất, khai thác cát sỏi trái phép; đồng thời phải phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép khu vực lân cận…

Theo ông Hà Kế Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Tử Đà, toàn bộ diện tích đất bị sạt lở biến mất do khai thác cát tại khu 8, 9 xã Tử Đà là đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP. Theo quy định thì loại đất này chỉ được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp bao gồm đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp trồ ng cây lâu năm, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản, các loại đất này gồm cả đất làm kinh tế gia đình trước đây hợp tác xã giao, đất vườn, đất xâm canh, đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa được xác định để sản xuất nông nghiệp.

Từ thực tế cho thấy, việc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn khai thác cát vào diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân đã vi phạm Nghị định 64/CP về luật đất đai, vi phạm các quy định của tỉnh Phú Thọ về khai thác khoáng sản và phớt lờ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy đã nêu tại công văn số văn 898-TB/TU, ngày 12/7/2013.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn còn buông lỏng quản lý để tàu từ nơi khác ngang nhiên vào khai thác cát trái phép, gây sạt lở bờ sông Lô tại khu 3 xã Tử Đà, gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Việc buông lỏng quản lý, không bảo vệ khu vực lân cận để các cá nhân lợi dụng khai thác cát trái phép, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn đã vi phạm các quy định của tỉnh.

Điều đáng chú ý là trạm bơm được Sở Nông nghiệp và Phát triển đầu tư tại khu 9 xã Tử Đà phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Phù Ninh đang có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lức nào do việc khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng của Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn.

Siết chặt quản lý, xử lý vi phạm

Để ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi trên các tuyến sông chạy qua địa bàn tỉnh, thời gian qua Phú Thọ đã quyết liệt chỉ đạo lực lượng công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành chức năng phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để phát hiện, xử lý vi phạm; lập các tổ chốt an ninh trực 24/24h tại các xã là điểm nóng về tình trạng khai thác cát sỏi để theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác cát sỏi.

Đồng thời tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp khai thác trong chỉ giới được cấp phép; đăng ký số lượng, chủng loại, biển hiệu các phương tiện tàu, thuyền khai thác cát sỏi của đơn vị và đăng ký hộ khẩu tạm trú, tạm vắng của công nhân vận hành khai thác với UBND các xã có mỏ và các cơ quan chức năng liên quan. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương dọc tuyến sông Lô kịp thời phát hiện hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tiến hành kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng đưa ra 6 quy định mới bắt buộc các doanh nghiệp khai thác cát phải thực hiện nghiêm: Thực hiện cắm mốc giới mỏ bằng cột bê tông; cắm biển báo có sơ đồ khu vực khai thác; gắn biển đề tên Công ty lên phương tiện khai thác; đăng ký số lượng, số hiệu, chủng loại thiết bị khai thác với cơ quan chức năng và các địa phương; chỉ được khai thác từ 6h sáng đến 18h, không khai thác ban đêm; cung cấp hồ sơ giấy phép khai thác, bản đồ khu vực khai thác cho địa phương và các cơ quan liên quan; nghiêm cấm khai thác, neo đậu tàu thuyền tại 10 khu vực xung yếu và 5 vị trí kè trên tuyến sông Lô.

Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Phú Thọ đã siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng khai thác cát trên các tuyến sông, nhất là trên sông Lô vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Nạn khai thác cát, sỏi trái phép có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện, bắt giữ 14 vụ khai thác cát sỏi trái phép trên các tuyến sông.

Nạn khai thác cát, sỏi đã gây sạt lở hàng nghìn mét đất canh tác của người dân, uy hiếp đến nhiều công trình đê, kè và nhà cửa, ruộng vườn của nhiều hộ dân. Cùng với đó là việc các phương tiện khai thác cát sỏi đỗ đậu không đúng nơi quy định, lấn luồng, tạo nên những yếu tố gây cản trở và mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến…

TTXVN/Tin Tức