11:10 04/11/2012

Phú Thọ phấn khởi chè được giá cả vụ

Mọi năm, giá chè ở tỉnh Phú Thọ thường tăng cao vào đầu vụ hoặc cuối vụ do khan hiếm, nhưng năm nay giá chè lại giữ ở mức cao suốt cả vụ. Người trồng chè Phú Thọ rất phấn khởi do được giá.

Mọi năm, giá chè ở tỉnh Phú Thọ thường tăng cao vào đầu vụ hoặc cuối vụ do khan hiếm, nhưng năm nay giá chè lại giữ ở mức cao suốt cả vụ. Người trồng chè Phú Thọ rất phấn khởi do được giá.

Mặc dù thời điểm này đã vào cuối vụ chè, song làng nghề chế biến chè xóm Khuân xã Sơn Hùng (huyện Thanh Sơn) vẫn còn nhiều thương lái đến gom hàng. Nhiều hộ trong làng còn đi thu mua thêm chè tươi ở các xã lân cận về chế biến, tranh thủ làm cả ngày lẫn đêm đề kịp giao hàng.

Ông Nguyễn Công Long, trưởng làng nghề chế biến chè xóm Khuân cho biết: Vào vụ chè, hầu như nhà nào cũng huy động tối đa nhân lực trực tiếp thu hái chè, mua thêm nguyên liệu về biến ngày đêm. Thương lái đến tận nơi thu mua, không bị đọng hàng. Hiện nay giá chè từ 4.500 - 4.700đồng/kg chè búp tươi, 45.000 - 50.000 đồng/kg chè khô.

Diện tích chè của Phú Thọ đạt gần 15.720 ha, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước. Ảnh giaoduc.edu.vn


Theo tính toán: 1 tạ chè tươi chế biến được 20kg chè khô, trừ chi phí lãi được 200.000 đồng. Nhà nào có vốn, có nhân lực, một ngày có thể thu mua, chế biến tới 5 - 6 tạ chè tươi, nhà ít cũng chế biến từ 2 - 3 tạ chè tươi/ngày. Nhờ giá cả ổn định nên chỉ sau một vụ chè nhiều nhà đã sắm được xe máy có giá trị vài chục triệu đồng.

Hiện nay, diện tích chè toàn tỉnh Phú Thọ đạt gần 15.720 ha, chiếm khoảng 12% diện tích chè và xếp thứ 4 cả nước. Cây chè được trồng ở 90% số xã, thị trấn ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Ba, Đoan Hùng, Hạ Hòa… Năng suất bình quân đạt gần 84 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 117.000 tấn.

Sản phẩm chè của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đã xuất khẩu đi nhiều nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pakistan. Đặc biệt, sản phẩm chè của Phú Thọ đã xâm nhập một số thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản...

Chè Phú Thọ khá đa dạng, ngoài chè đen, chè xanh là chủ đạo bước đầu đã có sản phẩm chè ô long, chè lipton, chè ướp hương... được khách hàng trong và ngoài nước chấp nhận.

Ngành chè đã góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng rất lớn lao động của tỉnh, đời sống nhân dân ổn định, kinh tế khá hơn những địa phương cùng điều kiện chỉ phát triển một số cây trồng khác. Bình quân mỗi hộ cho thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng/năm, có những hộ đầu tư thâm canh thu nhập đạt 40-50 triệu đồng.

Mặc dù diện tích chè đã tăng đáng kể, song năng suất chè ở nhiều khu vực vẫn ở mức thấp. Đến năm 2011 năng suất bình quân toàn tỉnh đã đạt gần 84 tạ/ha, nhiều diện tích chè của nông dân chỉ đạt ở ngưỡng 60-70 tạ/ha, thấp hơn rất nhiều so với các vùng trồng trong cả nước.

Ngoài ra, sự liên doanh, liên kết giữa vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến thiếu chặt chẽ, đa số diện tích chè của nông dân và Công ty CP chè Phú Thọ phát triển, tiêu thụ theo hình thức tự phát nên rất dễ rơi vào tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, tranh mua, tranh bán…

Bên cạnh đó, sản lượng chè búp tươi của tỉnh mới đáp ứng khoảng gần 50% công suất, còn tới 60% số cơ sở chế biến không có vùng nguyên liệu, không chủ động được sản xuất. Do vào mùa sản xuất thường xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán chè búp tươi nên khó kiểm soát về chất lượng, thiếu sự liên kết sản xuất bền vững.

Mặc dù có nhiều cơ sở chế biến nhưng hầu hết là sản xuất chè đen, rất ít cơ sở chế biến chè xanh, chè cao cấp hầu như ở dạng manh nha, sản lượng thấp. Do sản phẩm đơn độc nên khó thâm nhập thị trường khó tính, thậm chí sản phẩm chè chỉ bán để tạo nguyên liệu nên giá trị sản phẩm không cao, khó đa dạng thị trường và càng khó khăn để xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, hầu hết chè của Phú Thọ phải bán qua nhiều thị trường, nhiều cấp nên lợi nhuận thấp, tốt, xấu lẫn lộn khó kiểm soát.



Lâm Đào An