12:22 06/12/2017

Phú Thọ: Hỗ trợ hơn 17.000 người nhiễm và nghi phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin

Đoàn kết, trách nhiệm, vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin là nhiệm vụ, mục tiêu nêu ra tại Đại hội đại biểu Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Phú Thọ lần thứ III, nhiệm kỳ 2017-2022 được tổ chức ngày 6/12.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với cả nước, tỉnh Phú Thọ có hàng chục vạn nam, nữ thanh niên Phú Thọ đã gia nhập lực lượng vũ trang nhân dân, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; hàng chục nghìn quân nhân tái ngũ, vào chiến trường chiến đấu giải phóng dân tộc, hàng vạn người con ưu tú của quê hương đã hy sinh tính mạng và một phần thân thể cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Trong số những người may mắn trở về, nhiều người là thương binh, bệnh binh; nhiều người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, để lại hậu quả nặng nề cho nhiều thế hệ.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, tỉnh Phú Thọ có hơn 17. 000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm và nghi phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Trong đó, 104 người mất khả năng lao động từ 81% trở lên, 1.128 hộ có 2 nạn nhân, 83 hộ có 3 nạn nhân, 33 hộ có 4 nạn nhân, 9 hộ có 5 nạn nhân trở lên.

Đến nay, toàn tỉnh mới có 7.738 nạn nhân (trên 4.400 đối tượng trực tiếp, trên 3.300 đối tượng gián tiếp) được hưởng trợ cấp hàng tháng. Theo số liệu khảo sát mới nhất, trên địa bàn tỉnh hiện còn gần 200 nạn nhân thế hệ thứ ba chưa có chế độ trợ cấp, gần 200 gia đình nạn nhân cần được giúp đỡ về nhà ở.

Trong 5 năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động ủng hộ Quỹ hội được 7,4 tỷ đồng (Hội tỉnh 3,3 tỷ đồng, Hội cấp huyện 4,1 tỷ đồng). Từ nguồn quỹ ủng hộ, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã trực tiếp giúp đỡ các nạn nhân thông qua các hình thức như tặng học bổng, mua xe lăn, xây dựng nhà tình nghĩa, cho vay vốn không lãi suất để giải quyết khó khăn và đầu tư phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống.

Hàng năm, Hội đã phối hợp với các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên tổ chức các đợt khám bệnh, cấp thuốc; thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân; hoặc hỗ trợ sau các đợt thiên tai; hỗ trợ đột xuất, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ làm nhà ở cho hàng trăm lượt gia đình có nạn nhân chất độc da cam/dioxin... với tổng tiền và hiện vật lên trên 14 tỷ đồng. Có sự động viên, giúp đỡ, chăm sóc của Hội và cộng đồng, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vơi bớt nỗi đau thể xác và tinh thần, đời sống có phần cải thiện.

Để làm tốt công tác giúp đỡ, chăm sóc các nạn nhân, trong thời gian tới, các câp Hội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa việc huy động nguồn lực xây dựng Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Phấn đấu, mỗi năm Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp tỉnh sẽ huy động ít nhất 2 tỷ đồng ủng hộ quỹ; Hội cấp huyện có thêm từ 100 triệu đồng, mỗi chi hội cơ sở có thêm từ 10 triệu đồng trở lên.

Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã biểu dương những kết quả Hội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua cùng sự nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng của những nạn nhân chất độc da cam và những tấm lòng cao quý của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ủng hộ cho nạn nhân da cam.

Đồng thời, Trung tướng Nguyễn Thế Lực nhấn mạnh hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là lương tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn xã hội. Thời gian tới các cấp Hội cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam; thực hiện tốt các Chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; tập trung củng cố tổ chức Hội vững mạnh; coi trọng công tác chăm sóc và giúp đỡ gia đình nạn nhân; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh…

Lâm Đào An (TTXVN)