Phú Thái đặt mục tiêu hỗ trợ toàn diện khoảng 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham quan triển lãm Những thành tựu trong phát triển KTTT và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức và Dân tộc tại Lễ Công bố chiến lược phát triển mới với tầm nhìn đến năm 2033 mới đây của Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhấn mạnh: Hưởng ứng Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), Phú Thái đặt mục tiêu hỗ trợ toàn diện khoảng 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển KTTN
“Sau khi Nghị quyết 68 được ban hành ngày 4/5, trong vòng 13 ngày, Quốc hội, Chính phủ đã có 3 Nghị quyết để thể chế hóa và triển khai. Điều này cho thấy sự chuẩn bị kịp thời, nhanh chóng nhưng cũng rất chu đáo, chất lượng, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dưới sự chỉ đạo, quan tâm của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng nhân Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66 và 68 về phát triển KTTN, diễn ra sáng 18/5.
Đánh giá của ông Phạm Đình Đoàn, chưa bao giờ vai trò của khu vực KTTN được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68, lần đầu tiên "KTTN được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân".
“Nội dung của Nghị quyết 68 nhấn mạnh về việc phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả và chất lượng cao là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thúc đẩy phát triển xã hội có tư tưởng khởi nghiệp, khát vọng làm chủ, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng được hưởng một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế; hệ thống pháp luật, được hoàn thiện thật nhanh cùng với các cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích KTTN phát triển. Nghị quyết cũng chú trọng đào tạo đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ…”, ông Phạm Đình Đoàn bày tỏ.
Máy móc và thiết bị hiện đại tại Phú Thái Cat – liên doanh giữa Phú Thái và Carterpillar trong lĩnh vực phân phối và dịch vụ thiết bị công trình.
Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chiến lược phát triển mới với tầm nhìn đến năm 2033 đặt mục tiêu xây dựng Phú Thái trở thành Tập đoàn phân phối và đầu tư đa ngành hàng đầu Việt Nam, tiên phong trong việc kiến tạo tăng trưởng bền vững, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thịnh vượng và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Là một trong 22 doanh nghiệp thành viên của Hội đồng Doanh nghiệp Hàng đầu Việt Nam của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phú Thái đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc hỗ trợ cộng đồng SMEs.
Tập đoàn Phú Thái công bố “Chiến lược phát triển giai đoạn 2025 - 2033”, đánh dấu bước ngoặt trên hành trình hướng tới 40 năm thành lập vào năm 2033.
Theo đó, Tập đoàn cam kết thực hiện các hoạt động tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm miễn phí nhằm nâng cao năng lực quản trị cho các SMEs; đồng thời đặt mục tiêu hỗ trợ toàn diện vào khoảng 300 doanh nghiệp SMEs.
“Chúng tôi không chỉ đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn phân phối và đầu tư đa ngành hàng đầu Việt Nam với doanh thu 4 tỷ USD vào năm 2033 mà còn cam kết kiến tạo một hệ sinh thái doanh nghiệp thịnh vượng. Phú Thái sẽ đồng hành và hỗ trợ cộng đồng SMEs thông qua các Chương trình tư vấn, hỗ trợ tài chính và đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và tạo thêm hàng ngàn việc làm mới cho xã hội. Đây cũng là hành động thiết thực của Phú Thái nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 68”, ông Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh.
Với tầm nhìn chiến lược Phú Thái 2033 – Future Ready, Tập đoàn đã và đang thực hiện những bước đi cụ thể để tạo dựng một nền tảng vững chắc, không chỉ giúp Phú Thái phát triển bứt phá mà còn góp phần xây dựng một nền kinh tế Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Thực thi bằng hành động
Trả lời câu hỏi về việc vì sao Phú Thái tiên phong trong việc đầu tư, đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs? ông Phạm Đình Đoàn cho biết: SMEs là động lực chính của nền kinh tế nhưng hiện còn thiếu vốn, định hướng, công nghệ thị trường. Do vậy, hưởng ứng Nghị quyết 68, Phú Thái mong muốn phát triển cộng đồng doanh nghiệp và đóng góp cho đất nước.
Hệ thống kho vận chuyên nghiệp lưu trữ và phân phối hàng tiêu dùng tại kho Phú Thái Group.
“Phú Thái sẽ hỗ trợ toàn diện - từ chiến lược đến thực thi như: Tư vấn chiến lược & tái cấu trúc; tối ưu mô hình kinh doanh, quản trị tài chính, nhân sự và công nghệ; đưa ra giải pháp tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh; đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp tiềm năng; ưu tiên các dự án đổi mới sáng tạo, sản xuất xanh và chuyển đổi số; kết nối doanh nghiệp với các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng và quỹ đầu tư”, lãnh đạo Phú Thái cho biết.
Để thực hiện Chiến lược kết nối và dẫn dắt doanh nghiệp SMEs, ông Phạm Đình Đoàn cho biết, Phú Thái sẽ thành lập Hội đồng Đầu tư và Phát triển (PGIC) để triển khai Quỹ hỗ trợ SMEs với định hướng rõ ràng về mục tiêu, quy trình, quy mô và lĩnh vực ưu tiên.
Thời gian tới, Tập đoàn sẽ từng bước thực hiện các hoạt động tư vấn, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn đến năm 2033.
Phu Thai Growth & Investment Council (PGIC) sẽ gồm:
Bộ phận Đầu tư & Phát triển (Investment & Growth Unit) có nhiệm vụ thẩm định và ra quyết định đầu tư vào doanh nghiệp SME; Quản lý danh mục đầu tư, giám sát hiệu quả các dự án; Xây dựng mối quan hệ với các đối tác tài chính (ngân hàng, quỹ đầu tư.
Bộ phận Tư vấn & Hỗ trợ SME (SME Support & Advisory Unit) có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn tái cấu trúc, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị; Kết nối doanh nghiệp với các chương trình đào tạo và cố vấn; Tạo cầu nối với hệ sinh thái doanh nghiệp của Phú Thái.
Bộ phận Quan hệ Đối tác & Hội nhập (Partnerships & Integration Unit) có chức năng xây dựng và quản lý mạng lưới đối tác (các doanh nghiệp SME, ngân hàng, quỹ đầu tư); thúc đẩy hội nhập quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường nước ngoài; tổ chức các sự kiện kết nối đầu tư, diễn đàn doanh nghiệp.
Chủ tịch Phạm Đình Đoàn chia sẻ tại Diễn đàn kinh doanh, do Forbes Việt Nam tổ chức.
“Phú Thái không chỉ đầu tư vào doanh nghiệp, mà còn đầu tư vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Hợp lực cùng nhau, chúng ta không chỉ vững mạnh mà còn đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới, góp phần xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng”, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn cho biết.
Thời gian tới, Phú Thái mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ từ Chính phủ để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ với vai trò là một doanh nghiệp đầu tàu mà còn là cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và cộng đồng SMEs. Đặc biệt, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của KTTN và bảo đảm thực thi hợp đồng của KTTN…