02:09 24/02/2021

Phú Quốc - Ký ức những đêm xanh

Khi chiếc Boeing 787 hạ cánh trên đường băng của sân bay Phú Quốc, tôi chợt thấy hiện lên hình ảnh bến cá Dương Tơ 38 năm trước. Năm 1983, lần đầu tiên tôi cùng nhà nhiếp ảnh Kim Sơn ra đảo trên một chiếc tàu cá nhỏ. Sau một đêm lênh đênh trên biển với những ngư dân, nơi tàu chúng tôi cập đầu tiên là bến cá ấy.

Chú thích ảnh
Quang cảnh thị trấn Dương Đông nhìn từ mũi Dinh Cậu.

Quang cảnh Dương Tơ năm đó, cũng như toàn đảo Phú Quốc, thật hoang sơ, vắng vẻ. Con đường đất đỏ về Dương Đông gần như không có bóng người. Chiến tranh chưa lùi xa. Sự nghèo khó hiện lên trên từng xóm chài. Quang cảnh thị trấn Dương Đông buổi tối ánh đèn chập chờn, không đủ sáng vẫn còn in trong ký ức của tôi.

Sân bay Phú Quốc hiện đại, nơi chúng tôi hạ cánh hôm nay, được xây dựng ngay trên đất Dương Tơ, không xa bến cá nhỏ bé năm xưa ấy, là một minh chứng cho những đổi thay ở hòn đảo này. Sân bay mới, với đường băng dài 3.000 mét, được đưa vào hoạt động thay cho sân bay cũ, có thể đón các loại máy bay hiện đại nhất, với tần suất vài chục chuyến bay mỗi ngày. Cùng với hệ thống đường xuyên đảo mở rộng gấp 6 lần, đường cáp điện ngầm vượt biển, hệ thống cảng được cải tạo và mở rộng, Phú Quốc đang tăng tốc cho bước chuyển mình trở thành thành phố trên biển nam.

Cùng người lái xe ôm Hồ Thành Lượm, tôi đã đi dọc phía đông của Phú Quốc để cảm nhận những đổi thay. Rõ rệt nhất là các khu khách sạn, resort lớn đã mọc lên ven biển. Có những công trình hoàn thành, nhiều công trình đang xây dựng.Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng đến nay, Phú Quốc đã thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư. Toàn đảo hiện có trên 700 cơ sở lưu trú, với hơn 20.000 phòng và 15 khu nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động. Nhiều khu đô thị du lịch phức hợp khác đang hình thành. Tính chung lại, trên địa bàn Phú Quốc đã có 320 dự án đầu tư, tổng số vốn trên 340 ngàn tỉ đồng, tạo ra những cơ sở ban đầu để Phú Quốc hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ lớn với 4 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển.

Chú thích ảnh
Đền thờ Nguyễn Trung Trực, Phú Quốc.

Sau khi cùng Hồ Thành Lượm qua các khu phố cũ của Phú Quốc xưa, thăm chợ Dương Đông ngày mới mặn nồng hương vị biển, tôi ra mũi Dinh Cậu như thói quen mỗi lần đến đây. Mũi Dinh Cậu với cây đèn biển cổ và Thạch Sơn Điện là một địa chỉ tâm linh gắn bó với người Phú Quốc. Thạch Sơn Điện thờ Cậu Tài và Cậu Quý, hai vị thần sông nước linh thiêng, có khả năng “Trấn phong, bình lượng, bảo lương dân “ (Chắn gió, cản sóng, bảo vệ dân lành ) và làm cho “ Phong điếu vũ thuận dân an lạc “ (Mưa thuận gió hoà dân cư an lạc ).

Từ mũi Dinh Cậu, chúng tôi thu vào tầm mắt một vùng biển bình yên, rộn rã những con tàu đang ra khơi vào lộng. Từ đây cũng có thể bao quát cả thị trấn Dương Đông đang có nhiều đổi thay. Ngay bên Dinh Cậu là hình ảnh một thùng nước mắm cỡ lớn được dựng lên như biểu tượng của Phú Quốc. Bao đời nay, cùng với hồ tiêu, nước mắm Phú Quốc thơm ngon hương vị cá cơm là thương hiệu nổi tiếng cho hòn đảo này .

Chú thích ảnh
Điểm du lịch đảo ở An Thới, Phú Quốc.

Cảng cá An Thới ngày nay đã được mở rộng nhiều. Cầu cảng dài hơn, tấp nập tàu thuyền. Đây cũng là điểm cáp treo vượt biển ra hòn Thơm nên rất đông du khách. Nhìn cả vùng biển đảo từ những cabin trên cao điều rất hấp dẫn. Cùng với hòn Thơm, các đảo khác trong vịnh đã tạo nên một chuỗi điểm đến có sức thu hút.

Cùng với vợ chồng người tài công Đinh Ngọc Tấn, chúng tôi có cả một ngày trên vịnh bằng thuyền máy, qua những hòn đảo đẹp mang những cái tên rất dân dã: Hòn Gầm Ghì, hòn Móng Tay, Bãi Ngang, Bãi Nờm... Quán ăn trên bè của anh Hà Mỹ Tùng dập dềnh giữa bốn bề sóng nước, sát bên Hòn Thơm, với những con ghẹ , bào ngư, ngọc nữ... tươi nguyên, mang hương vị ngọt ngào của biển Phú Quốc để lại những dư vị khó quên.

Trở lại cảng , khi đi qua những thuyền câu với các giàn đèn đang chuẩn bị cho một đêm ra khơi, ký ức lại trở về với tôi. Năm 1983, nhà nhiếp ảnh Kim Sơn và tôi đã được anh Nguyễn Kỳ, Giám đốc Xí nghiệp thuỷ sản, đưa đi câu mực ngoài biển. Một đêm không thể nào quên. Trong ánh đèn, những con mực từ dưới sâu ngoi dần lên mặt nước như những bông hoa nở. Người câu phải rất nhẹ nhàng mới nhấc được chúng lên thuyền. Chúng tôi có một bữa vui nhớ đời với mực tươi nướng bằng hoả lò đem theo, với rượu sim Phú Quốc giữa biển đêm. Sắc biển nam xanh lạ kỳ dưới ánh đèn năm ấy không bao giờ tôi có thể quên.

Phú Quốc còn là nơi in đậm những dấu ấn lịch sử. Bảo tàng Cội Nguồn, một bảo tàng tư nhân với hàng ngàn hiện vật và các tư liệu quý, thể hiện một cách sinh động lịch sử Phú Quốc. Thăm bảo tàng, người ta có một cái nhìn bao quát về truyền thống hòn đảo này, khi những người dân từ thế kỷ XVII theo Mạc Cửu ra khai khẩn cũng như các thời kỳ sau này.

Khu di tích nhà lao Cây Dừa lưu giữ truyền thống anh hùng của đảo. Hơn 40.000 cán bộ, chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm ở nhà lao này. Nhiều người đã hy sinh. Trong danh sách các liệt sĩ có tên các địa phương trong cả nước.

Chúng tôi cũng đã đến viếng đền thờ Cụ Nguyễn, thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838-1868 ), người dã từng có thời gian xây dựng cơ sở kháng chiến chống thực dân Pháp ở Phú Quốc . Đền thờ Cụ Nguyễn ở khu vực Cửa Cạn được trùng tu to đẹp hơn, như tấm lòng của người dân tưởng nhớ về người anh hùng dán tộc. Khuôn viên đền dành một nơi trang trọng trưng bày di vật chiếc thuyền chiến của Nguyễn Trung Trực và các nghĩa quân. Hai bên cửa đền ghi hai câu thơ nổi tiếng về sự nghiệp lẫy lừng của ông: “Hoả hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa", “Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần".

Chú thích ảnh
Quang cảnh ở bãi Rạch Vẹm, Phú Quốc.

Ra Phú Quốc lần này, chúng tôi dành một ngày ngược lên phía bắc đảo, vòng theo ranh giới rừng quốc gia, thăm những vườn hồ tiêu lớn, trang trại nuôi ong, bãi biển yên tĩnh, nơi nhịp sống chậm rãi hơn. 

Bãi Rạch Vẹm thật đẹp, cát trắng ngời bên biển xanh và những rừng tràm vi vút gió. Chúng tôi đã đi dọc bãi biển, lên mũi Hàm Rồng, nơi qua làn nước xanh, có thể nhìn thấy những con sao biển đỏ sẫm bơi thành đàn. Đào Cường, một ngư dân khoẻ mạnh đưa chúng đi, cho biết, gia đình anh đã bốn đời ở Phú Quốc. Anh đưa chúng tôi ghé những bờ cát nhiều sao biển nhất, và hào hứng kể về những nét đẹp của vùng biển quê hương.

Đối với tôi, chàng trai 38 tuổi ấy còn là sự tình cờ thú vị: Anh ra đời đúng vào năm 1983, khi tôi lần đầu đặt chân đến Phú Quốc. Đào Cường đã có vợ và hai con. Vậy là từ thời điểm ấy, đã có khoảng thời gian cho hai thế hệ trên hòn đảo này.

Chú thích ảnh
Hoàng hôn biển tây ở Phú Quốc.

Tôi lại có những đêm xanh không quên ở Phú Quốc. Những buổi tối ngắm hoàng hôn trên biển tây, đi dọc bờ cát trên bãi Trường, nhìn ánh đèn của những con thuyền ngoài xa, những câu thơ từng viết về một “Đêm xanh Phú Quốc" lại trở về trong tôi :

Từ khơi xa bến bờ thêm gần gũi
Gành Dầu, Dương Đông, An Thới, Dương Tơ
Mũi Dinh Cậu, tấm bình phong chắn gió
Núi Chúa ngàn năm yên một dải bến bờ

Trong gió chướng mùi đất đai thân thuộc
Đẫm vị mồ hôi bao thế hệ cha ông
Những người mở đất nơi đầu sóng
Cho lớp cháu con những mùa biển yên lành

Bài và ảnh : Trần Mai Hưởng