12:07 11/12/2014

Phụ nữ Ấn Độ - nạn nhân chính sách triệt sản

Chính sách triệt sản quy mô lớn đã kéo theo tình trạng mà một phòng phẫu thuật chỉ có 6 giường bệnh giờ bị nhồi nhét 100 phụ nữ la liệt dưới sàn chờ phẫu thuật cắt ống dẫn trứng.

15 phụ nữ đã tử vong và hơn 100 người nhập viện sau khi được phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng trong chương trình triệt sản hàng loạt ở Ấn Độ. Vụ việc mới nhất này một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn cho phụ nữ tham gia triệt sản.

40 năm trước, Ấn Độ chủ yếu triệt sản nam giới nhằm kiềm chế đà tăng dân số. Tuy nhiên, chiến dịch triệt sản trong thời gian qua lại tập trung vào phụ nữ mặc dù cắt ống dẫn tinh là thủ thuật dễ làm hơn là cắt bỏ ống dẫn trứng ở phụ nữ.

Phân biệt giới tính

Theo chính sách của chính phủ Ấn Độ, đàn ông tự nguyện đi triệt sản sẽ được nhận 33 USD, còn phụ nữ chỉ được nhận 23 USD. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chưa đầy 1% đàn ông Ấn Độ tự nguyện phẫu thuật triệt sản. Trong khi đó cứ 10 phụ nữ thì lại có 4 người phải chấp nhận phương pháp đau đớn này.

Trước thực trạng dân số tăng nhanh chóng, phụ nữ Ấn Độ, chủ yếu là người nghèo ở nông thôn, bị coi là những cái “máy đẻ vô trách nhiệm”. Do đó, họ là đối tượng để chính quyền áp dụng chính sách triệt sản. Ở Ấn Độ, ngoài phẫu thuật, hầu như không có một phương pháp nào khác để triệt sản.

Vết thương trên bụng phụ nữ Ấn Độ sau khi trải qua phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng.


Chính sách triệt sản quy mô lớn đã kéo theo tình trạng mà một phòng phẫu thuật chỉ có 6 giường bệnh giờ bị nhồi nhét 100 phụ nữ la liệt dưới sàn chờ phẫu thuật cắt ống dẫn trứng. Có những bác sĩ phải thực hiện tới 13.000 ca phẫu thuật triệt sản trong vòng một năm.

Năm 1994, các chuyên gia y tế tại một hội nghị quốc tế về phát triển dân số diễn ra ở Cairo (Ai Cập) đã quyết định thay vì ép buộc triệt sản, người dân có quyền suy nghĩ và chấp thuận liệu có nên thực hiện phẫu thuật triệt sản hay không. Cũng trong khoảng thời gian đó, khoa học siêu âm bụng ở phụ nữ rất phát triển, nên quy trình triệt sản trở nên dễ dàng hơn. Chính những thay đổi này đã ảnh hưởng đến chính sách của Ấn Độ muốn tập trung chiến dịch triệt sản vào phụ nữ. Thêm vào đó, phụ nữ Ấn Độ được mặc định là phái yếu và không có tiếng nói trong xã hội. Vô hình trung, đàn ông Ấn Độ đã thoát trách nhiệm kế hoạch hóa gia đình do trút được gánh nặng lên vai người phụ nữ.

Nguy hiểm rình rập

Đây không phải là lần đầu tiên phẫu thuật triệt sản trở thành nguyên nhân gây tử vong cho phụ nữ Ấn Độ. Trong năm 2012, 3 bác sĩ đã bị bắt tại Bihar vì đã phẫu thuật cho 53 người trong vòng 2 tiếng đồng hồ và không sử dụng các phương pháp gây mê. Một nhà hoạt động nhân quyền trong lĩnh vực y tế, ông Punnet Bedi, cho biết: “Bác sĩ chỉ muốn chạy theo chỉ tiêu, đáp ứng yêu cầu của chính phủ nhưng lại không quan tâm đến sức khỏe của bệnh nhân. Thậm chí nhiều vị bác sĩ còn không đủ trình độ nhưng vẫn thực hiện phẫu thuật cho những người tham gia triệt sản”.

Trong khi đó, phụ nữ đến những khu trại triệt sản thường thuộc các hộ gia đình khó khăn và không được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản. Họ được thông báo cuộc phẫu thuật chỉ là một quy trình đơn giản và sẽ được về nhà ngay sau khi cắt bỏ ống dẫn trứng.

Mới gần đây nhất, bức ảnh một nhóm bác sĩ sử dụng bơm xe đạp để thực hiện ca phẫu thuật triệt sản lại dấy lên cảnh báo về mức độ nguy hiểm và thiếu kiến thức của các y bác sĩ tham gia tại các trại triệt sản. Bác sĩ Mahesh Chandra Rout – người đã dùng bơm xe đạp để cắt bỏ ống dẫn trứng cho 56 người phụ nữ trong vòng 1 ngày - cho biết bơm xe đạp là công cụ được dùng phổ biến để làm căng phồng bụng bệnh nhân tại nhiều trại triệt sản ở Orissa. Nhiều chuyên gia y tế nhận định việc sử dụng một dụng cụ bơm hơi thông thường thay vì các thiết bị chuyên dụng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Nếu tốc độ bơm và áp suất trong khoang bụng không được bảo đảm thì hậu quả về con người sẽ là vô cùng khó lường.


Hồng Hạnh