11:21 10/11/2015

Phóng viên Josepth Morton - người liều mạng trong chiến tranh - Kỳ 1

Trong Thế chiến thứ hai, Bộ Chiến tranh Mỹ đã cử khoảng 500 nhà báo đến các chiến trường để đưa tin về các lực lượng quân đội Mỹ. 54 người trong số đó đã thiệt mạng vì bom đạn. Mỗi cái chết đó đều bi kịch, nhưng có một trường hợp đáng nhớ hơn cả: phóng viên Joseph Morton của hãng thông tấn AP. Ông là phóng viên chiến trường Mỹ đầu tiên bị quân địch hành quyết trong thời chiến và cũng là phóng viên duy nhất của các nước Đồng minh bị phe Phát xít xử tử trong Chiến tranh thế giới thứ 2.


MẠO HIỂM TRÊN CÁC CHIẾN TRƯỜNG

Joseph Morton Jr. sinh ra ở St. Joseph, bang Missouri vào năm 1911. Là con trai của một luật sư, Morton theo học Đại học Nebraska và Đại học Iowa, nơi ông trau dồi kĩ năng viết lách để rồi cuối cùng dẫn tới nghiệp báo chí. Ông viết cho St. Joseph News - Press và các tờ Gazette, The Des Moines Register, The Omaha Bee - News. Hai năm sau khi kết hôn với bà Letty Miller năm 1935, Morton gia nhập hãng thông tấn lừng danh AP tại Lincoln, bang Nebraska.
Morton nhanh chóng thăng tiến từ Lincoln sang văn phòng của AP ở Omaha và sau đó là Cleveland. Năm 1940, ông chuyển lên văn phòng New York của hãng, đảm nhận vai trò biên tập viên. Tuy thế, từ lâu Morton đã muốn làm một phóng viên ở nước ngoài và tới tháng 5/1942, ông nắm lấy cơ hội được ra khỏi nước Mỹ.

Joseph Morton

Nhiệm vụ trong thời chiến đầu tiên của ông không diễn ra suôn sẻ như mong đợi. Lên một chiếc chiến hạm đi tới Liberia, Morton phải đưa tin về lực lượng đặc nhiệm gồm các binh sĩ Mỹ da màu có sứ mệnh bí mật là xây dựng một căn cứ quân sự cho quân Đồng minh ở giữa Tây Phi. Nhưng vì tính chất bí mật của sứ mệnh này, Bộ Chiến tranh đã cấm sử dụng các bài viết của Morton trong nhiều tháng. Phải tới tháng 12, khi bộ này chính thức công khai sự hiện diện của lực lượng Đồng minh ở Liberia, loạt bài của ông mới được phép đăng tải.

Trong khi đó, sau khi quân Đức đầu hàng ở Tây Phi thuộc Pháp và quân Mỹ tiến tới Dakar, Morton đã có mặt ở thủ phủ thuộc địa của Pháp này sớm hơn 20 ngày so với mọi phóng viên khác. Không may, ông mắc bệnh lỵ, nhưng rồi kịp ra viện để lên chiếc tàu chiến Richelieu của Pháp rời Dakar đến New York để sửa chữa vào cuối tháng 1/1943. Ông là phóng viên duy nhất trên tàu.

Ngày 19/7/1943, Morton trở thành một trong những phóng viên đầu tiên của phe Đồng minh được thấy Rome kể từ khi chiến tranh nổ ra. Khi ấy, ông đang ngồi trong chiếc máy bay ném bom Martin B - 26 Marauder trong cuộc không kích đầu tiên của quân Mỹ vào thủ đô Italy và tường thuật chi tiết đầy sống động cuộc tấn công vào tuyến đường sắt của thành phố này. Sau đó, trong cuộc xâm chiếm đảo Sicily, Morton đã đề nghị không quân Mỹ giúp đưa chiếc xe jeep của ông lên hòn đảo để ông “vượt mặt” các phóng viên khác với những bài viết xuất sắc.

Các thành viên của nhóm đặc nhiệm da màu tới Liberia năm 1942.

Sau khi quay trở lại Mỹ vào tháng 9/1943 để chữa trị bệnh lỵ kinh niên, Morton mới biết mình sắp được làm cha. Gia đình và bạn bè thầm hy vọng đứa con sẽ khiến ông ngừng mạo hiểm trên các chiến trường, nhưng Morton lại không hề nghĩ thế.

Ông trở lại châu Âu và sau khi Rome sụp đổ vào tháng 6/1944, ông mở rộng phạm vi đưa tin sang Balkan. Vào tháng 8, ông theo chân Tướng Walter Ross sang Romania, nơi ông trở thành phóng viên đầu tiên đưa tin về cuộc đổ bộ của Liên Xô vào Bucharest. Sau đó ông còn quay trở lại thủ đô Romania vào tháng 9 để đưa tin về Chiến dịch Tái hợp (sơ tán các phi công Mỹ mới được trả tự do sau khi máy bay của họ bị bắn rơi vào tháng 8, trong lúc không kích mỏ dầu Ploiesti). Morton láu cá bay trên chiếc phi cơ ném bom của không quân Mỹ và một lần nữa lại là phóng viên Đồng minh duy nhất có mặt tại đó.

Ngay sau khi đặt chân xuống Bucharest, Morton tức tốc hướng đến cung điện hoàng gia để nắm bắt tình hình Vua Romania, Michael I (người không lâu trước đó còn triệu Thủ tướng phát xít Ion Antonescu tới cung điện), bị cảnh vệ bắt và sau đó tuyên bố liên minh với quân Đồng minh. Cuối buổi chiều, Morton gặp gỡ nhà vua, Thái hậu Helen và một số phụ tá, cố vấn. Suốt đêm đó và cả ngày hôm sau, nhà báo người Mỹ đã trò chuyện với hoàng gia Romania về chính trị, chiến tranh, thể thao và cả Hollywood. Họ còn chơi bóng bàn và đi xem cung điện bằng xe hơi. Morton ra về ngày hôm sau để rồi ghi lại chi tiết chuyến đi của mình trong một bài viết nổi tiếng, bài viết đầu tiên về các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Antonescu.

Trần Anh