03:11 26/03/2018

Phong trào đòi kiểm soát súng đạn gia tăng áp lực với các nhà lập pháp Mỹ

Ban tổ chức các cuộc tuần hành với sự tham gia của triệu học sinh, sinh viên Mỹ khẳng định tiếp tục chiến dịch nhằm yêu cầu giới lập pháp có biện pháp cụ thể hơn để ngăn chặn bạo lực súng đạn.

Tuần hành phản đối bạo lực súng đạn tại Chicago, Mỹ ngày 24/3. Ảnh: THX/ TTXVN.

Phát biểu trong chương trình "Đối mặt quốc gia" của đài CBS ngày 25/3, Emma Gonzalez , người đứng đầu cuộc tuần hành quy mô lớn diễn ra ngày 24/3 tại Washington D.C. với sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh và những người ủng hộ, cho hay những cuộc tuần hành vừa qua chỉ là sự khởi đầu cho chiến dịch yêu cầu siết chặt súng đạn. Emma Gonzalez, 17 tuổi, là một trong những học sinh còn sống sót trong vụ xả súng ở trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida, Mỹ hồi tháng 2 vừa qua khiến 17 người thiệt mạng. Trong cuộc phỏng vấn trên, Emma đã kêu gọi học sinh, sinh viên đủ tư cách tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, qua đó hối thúc các nhà lập pháp có hành động ngăn chặn những vụ bạo lực súng đạn.

Cùng với quan điểm trên, Cameron Kasky, một học sinh khác của trường Marjory Stoneman Douglas, nhấn mạnh việc khuyến khích người Mỹ trẻ tuổi tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới là mục tiêu của phong trào trường Marjory Stoneman Douglas trong thời gian tới. Kasky nhấn mạnh đã đến lúc thế hệ trẻ Mỹ bày tỏ ý kiến của mình qua lá phiếu.

Sau khi xảy ra vụ xả súng đẫm máu tại trường Marjory Stoneman Douglas, chính quyền giới chức Mỹ đã có những biện pháp ban đầu nhằm ngăn chặn các vụ việc tương tự. Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép tài trợ 500 triệu USD trong 10 năm để nâng cao việc đào tạo và phối hợp giữa các trường học và cơ quan thực thi pháp luật địa phương và giúp xác định các dấu hiệu của bạo lực tiềm ẩn. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cho rằng nỗ lực này của giới chức Mỹ là "quá ít" và không "ấn tượng" bởi đây là chỉ những biện pháp "mang tính hình thức", không giải quyết tận gốc các vấn đề trong khi các khu vực tập trung nhiều người như nhà thờ, hộp đêm, nhà hát luôn là mục tiêu của những kẻ xả súng. Một số ý kiến cho rằng chính phủ cần ban hành lệnh cấm đối với các vũ khí tấn công, ổ đạn cỡ lớn và nâng độ tuổi tối thiểu được phép mua súng đạn lên 21 tuổi.

Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Mercedes Schlapp cho hay những biện pháp mà Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ đưa ra nhằm hai mục đích: đảm bảo quyền sở hữu súng đạn cho những người tốt và đủ điều kiện, trong khi ngăn chặn vũ khí rơi vào tay phần tử nguy hiểm. Thống đốc bang Ohio John Kasich, người có thể tham gia tranh cử tổng thống năm 2020, cảnh báo đảng Cộng hòa, hiện đang chiếm đa số tại Quốc hội lưỡng viện, có thể mất một số ghế trong cuộc bầu cử tới nếu không có biện pháp cứng rắn hơn trong vấn đề kiểm soát súng đạn.

Tình trạng bạo lực súng đạn đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội Mỹ nhiều năm nay. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy càng ngày càng có nhiều người Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng nghiêm ngặt và thắt chặt các biện pháp kiểm tra lý lịch người mua súng. Tuy nhiên, hy vọng về việc giới lập pháp Mỹ sẽ có hành động cụ thể để giải quyết vấn đề trên là "mong manh" do sự xung đột giữa các nhóm lợi ích. Thống kê không chính thức cho thấy mỗi năm, tại Mỹ, khoảng 30.000 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến súng đạn./.
TTXVN/Báo Tin tức