Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội:

Dự án 'treo' 14 năm, dân sống như giữa ốc đảo

Con đường đất, trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì lầy lội ổ trâu, ổ gà, là lối đi duy nhất dẫn vào 3 khu dân cư: Tổ 41, 42 phường Thịnh Liệt và tổ 68 phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Không đèn điện, không hệ thống thoát nước. Hai bên đường là những bãi cỏ hoang tàn, heo hút, những đống rác còn cháy âm ỉ, khói bốc mùi hôi thối.

Chú thích ảnh
Con đường lầy lội dẫn vào "khu đô thị mới" Thịnh Liệt.

Sống giữa Thủ đô mà khu vực dân cư này không khác gì ốc đảo, biệt lập với phố xá hiện đại bên ngoài. Đây là tình cảnh mà 400 hộ dân đang phải chịu đựng suốt 14 năm qua, kể từ khi TP Hà Nội có quy hoạch Khu đô thị mới Thịnh Liệt năm 2004.

14 năm vẫn dậm chân tại chỗ

Trò chuyện với phóng viên, ông Trương Sinh, người dân sống tại ngách 3, Tổ 41 phường Thịnh Liệt than ngắn thở dài như mỗi lần có ai đó hỏi về dự án khu đô thị Thịnh Liệt.

“Dự án được phê duyệt từ năm 2004, đến nay đã 14 năm rồi mà chưa triển khai được gì, chưa xong giải phóng mặt bằng. Mức đền bù quá bèo bọt, 252.000 đồng/m2 đất do bị tính là đất nông nghiệp, còn không bằng một kg thịt bò”, ông Sinh nói.

Theo tìm hiểu, được biết dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt được UBND TP Hà Nội phê duyệt theo quyết định số 4930 năm 2004 của UBND TP Hà Nội. Đến năm 2015, UBND TP Hà Nội lại có quyết định 4506 điều chỉnh quy hoạch dự án.

Tuy nhiên đến nay, do mức đền bù chưa thỏa đáng, cùng với sự yếu kém của chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng – LICOGI trong triển khai dự án nên người dân bức xúc, không bàn giao nhà.

Chú thích ảnh
Dây leo bám trên tấm biển quy hoạch khu đô thị Thịnh Liệt.

Theo Luật Đất đai 2003, nếu trong vòng 12 tháng, chủ đầu tư không triển khai dự án hoặc trong 24 tháng mà không thực hiện đúng tiến độ thì phải thu hồi đất. Theo quy định này thì dự án đã hết hạn từ lâu. Tuy nhiên, chủ đầu tư hiện vẫn không có dấu hiệu triển khai dự án. Diện tích đất đã thu hồi khoảng 30 ha trên tổng số 35 ha của dự án vẫn bỏ không.

Ông Sinh dẫn chúng tôi đi tới khu đất kí hiệu CT5 trong khu đô thị, vốn được quy hoạch làm nhà tái định cư cho bà con. Phía sau cánh cửa sắt xập xệ là những bãi cỏ, lau lách cao quá đầu người. Không thấy bóng dáng của một tòa nhà nào được gọi là nhà tái định cư.

“Làm bao nhiêu năm mà chưa xong được cái móng. Nhà tái định cư lại xây gần nghĩa trang nên nghe thôi đã không ai dám về ở”, ông Sinh cho hay.

Tương tự, các khu vực khác thì vẫn là những bãi cỏ hoang. Nhìn cảnh tượng này suốt hơn chục năm qua, không ai không cảm thấy xót xa vì đất đai bị lãng phí.

Chú thích ảnh
Cống rãnh hôi thối không có người dọn dẹp.

"Dân quá khổ rồi!"

Từ khi có dự án, các hộ dân tại các tổ dân cư phải giữ nguyên trạng nhà ở, không được mua bán chuyển nhượng. Nhà cấp 4 dột nát cũng không xây sửa được.

Bà Cẩm, vợ ông Sinh chỉ tay lên những vết nứt ngang dọc khắp tường, trần ngôi nhà 100 m2 của mình. Cả gia đình có 6 khẩu, nếu bị cưỡng chế khỏi nơi này, họ không biết sẽ sống ở đâu, với số tiền đền bù ước tính khoảng 270 triệu đồng.

“Nhà nứt hết, mỗi khi mưa phải mang bao nhiêu xô chậu ra hứng. Dân quá khổ sở, đường xá thì lụt lội. Khu này trở thành ổ dịch bệnh của thành phố vì môi trường ô nhiễm, cống rãnh hôi thối. Đó là chưa kể ở đây không ai có hộ khẩu hộ tịch. Các cháu đều phải đi học trái tuyến”, bà Cẩm ngán ngẩm cho biết.

Chú thích ảnh
Nhà cửa xuống cấp nhưng người dân không được sửa chữa.

Trước đây khu vực này còn không được cấp nước sạch. Người dân phải mua 15.000 đồng/m3 nước, tự bỏ tiền để bắc điện. Về sau người dân kêu quá, chính quyền mới cấp cho điện và nước nhưng người dân phải cam kết nếu chủ đầu tư triển khai dự án thì không được đòi tiền đền bù cho hạng mục đó. Đường xá xuống cấp, mỗi năm người dân đều phải bỏ tiền nâng lên.

Nỗi bức xúc của người dân dâng cao đến nỗi họ phải treo một chiếc kẻng gần nhà, nếu có đoàn cưỡng chế đến là đánh kẻng để tất cả tập trung phản đối.

“Người dân nhất trí triển khai dự án, sẵn sàng di dời nhưng mức đền bù phải thỏa đáng để chúng tôi có thể mua được nhà ở nơi khác. Còn nếu không làm được thì đề nghị chủ đầu tư dừng dự án, nhà nước thu hồi đất ngay”, rất đông người dân kiến nghị.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết: Theo Luật Đất đai 2003, trong vòng 12 tháng mà chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc 24 tháng mà sử dụng không đúng tiến độ thì nhà nước thu hồi đất, trừ trường hợp được UBND cấp tỉnh gia hạn. Trong 10 năm qua, lẽ ra cơ quan nhà nước phải thu hồi chứ không thể để tình trạng người dân như vậy.

Chiều 18/9, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt nói: "Đây không phải dự án treo. Dự án không triển khai là do thay đổi quy hoạch"'.

Khi phóng viên đề nghị ông trả lời rõ hơn về trách nhiệm của UBND phường, ông Đức cho biết phường chỉ là cơ quan triển khai, thực hiện, nếu phóng viên muốn rõ hơn thì lên quận, thành phố hỏi.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về vấn đề này.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
20 năm sống 'tạm' giữa những khu đất 'vàng' vì dự án 'treo'
20 năm sống 'tạm' giữa những khu đất 'vàng' vì dự án 'treo'

Nhà hư hỏng, dột nát, thậm chí tường nứt có thể đổ sập bất cứ lúc nào nhưng không được sửa chữa. Hàng chục năm qua, người dân ở các dự án “treo” ngay giữa lòng thành phố Hà Nội phải sống nơm nớp trực chờ ngay trong chính căn nhà của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN