04:14 18/04/2021

Phòng ngừa, ngăn chặn các đám cháy lớn

Cháy lớn chủ yếu xảy ra tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ; cơ sở da giầy, dệt may; kho bãi hàng hóa, vật tư; cơ sở sản xuất bao bì, mút xốp; chợ; cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất…

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 3 năm gần đây (2018-2020), cả nước đã xảy ra 10.930 vụ cháy (tăng 28,2%); làm chết 235 người, bị thương 508 người; gây thiệt hại về tài sản ước tính hơn 4.900 tỷ đồng và gần 31.000 ha rừng (tăng 3,9%)... Chỉ tính riêng tháng 3/2021, cả nước đã xảy ra 3 vụ cháy lớn nghiêm trọng, thiệt hại cả về người lẫn tài sản.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH), Bộ Công an, nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 65,2% số vụ); do sự cố kỹ thuật thiết bị, máy móc (chiếm 4,2%); do bất cẩn trong hàn cắt kim loại (2,5%); do tự cháy (chiếm 1,7%); do vi phạm quy định về PCCC trong sử dụng điện (1,7%)... và 18,6% số vụ đang điều tra, chưa rõ nguyên nhân.

Video clip Cục Cảnh sát PCCC & CNCH hướng dẫn người dân các kỹ năng PCCC trong gia đình và thoát nạn khi có cháy ở nhà ống:

Các vụ cháy lớn chủ yếu xảy ra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như cơ sở sản xuất, chế biến gỗ; cơ sở da giày, dệt may; kho bãi hàng hóa, vật tư; cơ sở sản xuất bao bì, mút xốp; chợ; cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất… Ngoài ra, các vụ cháy lớn xảy ra thường cách xa trụ sở đơn vị Cảnh sát PCCC & CNCH quản lý (25 vụ), nên lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH thường mất nhiều thời gian để di chuyển trên đường, dẫn đến đám cháy phát triển tự do gây cháy lan, cháy lớn.

Để tập trung phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy lớn, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, công tác tuyên truyền phòng ngừa sự cố cháy nổ phải đi đầu. Tuy nhiên, nội dung tuyên truyền cần cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu, hết sức thiết thực, có clip minh họa; tập trung vào các kiến thức an toàn trong sử dụng điện, gas, hóa chất, các giải pháp thoát hiểm, thoát nạn.

Việc tuyên truyền cũng cần nghiên cứu khung giờ phát trên báo đài địa phương, bảo đảm phù hợp, giúp người dân dễ nhớ, phổ biến các kỹ năng nhằm nâng cao khả năng sinh tồn của con người khi xảy ra các sự cố...

Chú thích ảnh
Khoảng 0 giờ 45 phút ngày 15/4, một đám cháy bất ngờ bùng phát dữ dội tại ngôi nhà số 126 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng chỉ rõ, lực lượng Cảnh sát khu vực, Cảnh sát PCCC & CNCH cần phối hợp tốt hơn nữa với ngành Điện lực, các tổ chức đoàn thể, khu dân cư, lực lượng dân phòng "đi từng ngõ, gõ từng nhà", vào từng nơi kiểm tra an toàn PCCC, chỉ ra sai phạm, lập biên bản xử lý và đề nghị điều chỉnh; ưu tiên những nhà có nguy cơ cháy nổ, không có lối thoát nạn thứ hai.

Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với Cục Cảnh sát PCCC & CNCH và các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám nghiệm, điều tra xử lý các vụ cháy nổ; đồng thời xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC để xảy ra cháy lớn, cháy đặc biệt nghiêm trọng.

Trung Nguyên/Báo Tin tức