03:12 01/03/2020

Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hiện nay, không gian mạng đã mang lại lợi ích to lớn cho xã hội, làm thay đổi nhận thức, hành vi, lối sống của con người. Nhưng cũng phải thẳng thắn nói rằng, tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng triệt sự phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông, hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thủ đoạn tinh vi

Thời gian qua, tình hình tội phạm lợi dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hải Dương diễn ra theo chiều hướng phức tạp. Các đối tượng lợi dụng công nghệ để thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Facebook, Skype, Zalo, tài khoản ngân hàng… Bên cạnh đó là các hình thức tổ chức đánh bạc và đánh bạc thông qua lô đề, cá độ bóng đá, game nạp tiền và đổi thưởng… qua mạng internet; thâm nhập vào hệ thống thư điện tử (email) của doanh nghiệp, tìm hiểu thông tin về hợp đồng, tài khoản chuyển tiền, tạo email giả để chiếm đoạt tiền.

Thậm chí, có đối tượng còn giả mạo cán bộ ngân hàng thông báo đề nghị khách hàng cung cấp tài khoản, mật mã tài khoản; sử dụng tài khoản mạng xã hội để rao bán hàng hóa có giá trị thấp hơn giá trị thị trường; giả danh cán bộ công an, kiểm sát để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Nhiều người bị lừa chiếm đoạt số tiền đến hàng tỷ đồng, nhiều vụ đánh bạc qua mạng internet với số tiền hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, đã gây bức xúc, lo lắng trong quần chúng nhân dân.

Trước tình hình trên, Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương với nòng cốt là Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài đã chủ động nắm tình hình, phát hiện và đấu tranh điều tra làm rõ 11 vụ với 52 bị can. Trong đó có 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 1 vụ sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản; 3 vụ đánh bạc bằng hình thức mua bán số lô, số đề qua thiết bị điện tử, viễn thông, cá độ bóng đá qua mạng internet; 3 vụ trộm cắp tài sản; 1 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy...

Có thể kể đến các vụ việc:

Chú thích ảnh
Nguyễn Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1988, ở tỉnh Đắk Lắk là đối tượng sử dụng điện thoại mạo danh là cán bộ hải quan, ngân hàng để lừa một người dân ở huyện Ninh Giang, Hải Dương chiếm đoạt số tiền gần 400 triệu đồng. Ảnh: TTXVN phát

Khoảng tháng 9/2018, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1988, ở phường Tân Lập, Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk quen biết với một phụ nữ tên Hiền ở Thành phố Hồ Chí Minh (chưa rõ lai lịch). Sau đó, Hiền sử dụng điện thoại, liên lạc qua mạng xã hội WhatsApp và gặp Hạnh. Hiền bàn bạc với Hạnh cùng giả mạo là nhân viên hải quan, yêu cầu nhiều người chuyển tiền vào tài khoản để nhận hàng có giá trị từ nước ngoài gửi về...  Sau đó, Hạnh đã dùng điện thoại lừa chị Tạ Thị Hòa, sinh năm 1973, ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương với số tiền lên đến gần 400 triệu đồng. 
 
Hay như vụ Nguyễn Xuân Tình, sinh năm 1994, trú tại phường 2, thị xã Quảng Trị và Trần Ngọc Cường, sinh năm 1999 trú tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có mối quan hệ quen biết với nhau từ trước. Để có tiền tiêu xài, vào khoảng tháng 5/2018, Tình và Cường đã tìm hiểu cách thức chiếm đoạt tài khoản trên mạng xã hội Facebook, đưa ra thông tin giả mạo để lừa người khác chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Tình đang quản lý để chiếm đoạt. Thậm chí, các đối tượng đã dùng số tiền đã lừa đảo để mua tiền ảo sau đó lại chuyển sang tiền thật.

Chú thích ảnh
Nguyễn Xuân Tình, sinh năm 1994, trú tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị là đối tượng chiếm đoạt tài khoản Facebook sau đó sử dụng để lừa một người dân ở thành phố Hải Dương chiếm đoạt số tiền trên 300 triệu đồng. Ảnh: TTXVN phát

Các đối tượng đã nhiều lần hack Facebook, giả là chủ nhân để lừa đảo chị Phạm Thị Mai, sinh năm 1976, ở phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương số tiền hơn 300 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Trần Ngọc Cường, sinh năm 1999, trú tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, là đối tượng chiếm đoạt tài khoản Facebook sau đó sử dụng để lừa một người dân ở thành phố Hải Dương chiếm đoạt số tiền trên 300 triệu đồng. Ảnh: TTXVN phát

Đặc biệt, chuyên án 319M điều tra vụ sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại tỉnh Hải Dương, đã góp phần triệt phá thành công đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trực tuyến hàng nghìn tỷ đồng, khởi tố 35 bị can, truy nã 3 bị can về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Từ việc phát hiện các đối tượng trong vụ án, phần lớn trú tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương là các đại lý cấp 1 chuyên bán tiền “ảo” thu tiền thật, cơ quan công an đã phát hiện, triệt phá  website manvip.club.

Trang này do một số đối tượng ở Hà Nội và một số tỉnh, thành khác lập, sử dụng phần mềm Manvip, có thể cài đặt trên điện thoại thông minh để tổ chức cho nhiều người chơi đánh bạc trực tuyến qua các trò chơi như tài sửu, sâm lốc, ba cây, liêng, xì dzach... Mỗi trò chơi có một luật chơi riêng, điểm trả thưởng được hệ thống quy đổi thành tiền thông qua dịch vụ internet banking.

Các đối tượng cũng phát triển song song một website khác là v2.dichvuthe.net nhằm tìm đầu ra cho nguồn thẻ nạp vào hệ thống trò chơi trên website manvip.club. Khi số dư tài khoản lớn thì các đối tượng sẽ rút tiền mặt và giao lại cho một người quản lý…

Chủ động phòng ngừa

Lãnh đạo Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương chia sẻ: Tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng do công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và các lĩnh vực liên quan còn nhiều sơ hở, chưa theo kịp diễn biến, sự phát triển, thay đổi của đời sống xã hội. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tuy đã được quan tâm xây dựng, bổ sung, sửa đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các cơ quan, doanh nghiệp và người dân chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo mật cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, chủ quan với các cảnh báo an ninh, an toàn thông tin mạng. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa chú trọng đến đầu tư hệ thống bảo mật thông tin của đơn vị mình. Người sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, mạng internet còn chủ quan, mất cảnh giác, không bảo mật thông tin cá nhân dẫn đến bị tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, sự phối hợp trong phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của các cơ quan liên quan như: Công an, ngân hàng, viễn thông… chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu tình hình thực tiễn; trang thiết bị, trình độ của lực lượng trực tiếp đấu tranh đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế…

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương khuyến cáo: Người dân cần giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng (tuyệt đối không tiết lộ mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email với người lạ, kể cả nhân viên ngân hàng). Mỗi khi nhận được thông tin cần xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch tài chính (không chuyển tiền cho đối tượng khi chưa xác thực; cảnh giác đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội, email, điện thoại, thư giấy, tin nhắn (SMS), mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước).
 
Mỗi khi thực hiện giao dịch trực tuyến, người dân cần kiểm tra thông tin của website và chỉ thực hiện giao dịch tại các website uy tín, có độ bảo mật cao. Khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM, POS, người dùng phải quan sát khe thẻ trên máy ATM, bảo đảm không có thiết bị lạ và che bàn phím khi nhập số PIN. Khi phát hiện tài khoản/thẻ phát sinh những giao dịch gian lận hoặc có vướng mắc, người dùng cần liên lạc ngay số đường dây nóng (hotline) ngân hàng liên quan; đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản nhằm kịp thời phát hiện và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các giao dịch bất thường. Người dùng tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể. 

Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao tỉnh Hải Dương tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành nhằm thực hiện các biện pháp quản lý tài sản, đặc biệt là tài sản giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng, trò chơi trực tuyến, cổng thanh toán trung gian…; xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan viễn thông, ngân hàng, kịp thời trao đổi thông tin để tuyên truyền, ngăn chặn tội phạm, quản lý thu hồi tài sản là vật chứng… Các cơ quan chức năng cũng khẩn trương xét xử, xử phạt nghiêm khắc tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, trang thiết bị cho cán bộ, chiến sỹ đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực này…

Trung tá Nguyễn Văn Hải (Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương)