11:15 10/11/2018

Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Malaysia kiên quyết nói "Không" với 'thần Lưu Linh'

Bia rượu là đề tài được quan tâm tại tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Malaysia.

Chú thích ảnh
Ít nhất gần một nửa dân số Malaysia chưa từng sử dụng đồ uống có cồn.

Tuy đặc điểm tình hình không giống hoàn toàn với Việt Nam, song Chính phủ Malaysia, cũng giống như Việt Nam và các nước khác, đã coi rượu bia là một mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Trong những năm qua, Chính phủ Malaysia đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn thói quen có hại cho sức khỏe này.
 
Sự hỗ trợ của quy định tín ngưỡng

Malaysia có diện tích tương đương với Việt Nam, nhưng dân số chỉ bằng khoảng 1/3, tức gần 32 triệu người. Trong số đó, người Mã Lai chiếm hơn 50% dân số, tiếp đến là người Malaysia gốc Hoa (khoảng 24%), người gốc Ấn Độ (7%), thổ dân (11%) và các dân tộc thiểu số khác (7,8%). Đặc điểm dân số như vậy, cộng với việc Malaysia là một nước theo Hồi giáo, đã hình thành nên bức tranh chung về việc tiêu thụ đồ uống có cồn tại quốc gia Đông Nam Á này.

Đạo Hồi có quy định ngặt nghèo về việc uống rượu bia. Tôn giáo này cấm các tín đồ của mình sử dụng đồ uống có cồn dưới mọi hình thức. Người vi phạm sẽ bị phạt đánh roi (tại các bang Pahang, Perlis và Kelantan) hoặc bị phạt tiền tại các bang còn lại. Do vậy, nhìn chung gần như toàn bộ người Malaysia theo Hồi giáo đều không uống rượu bia. Nghiên cứu mới đây của Viện Sức khỏe quốc gia Malaysia (NIH) cho thấy chỉ có 0,9% người Mã Lai được hỏi thừa nhận đã từng sử dụng rượu bia. Điều đó có nghĩa là ít nhất gần một nửa dân số Malaysia chưa từng sử dụng đồ uống có cồn.

Tuy nhiên, tình hình có khác đối với các sắc tộc khác. Người Malaysia gốc Hoa và gốc Ấn Độ, cũng như các sắc tộc khác không theo Hồi giáo không chịu ảnh hưởng của quy định cấm sử dụng bia rượu. Nghiên cứu của NIH cho thấy có đến 27,5% người Malaysia gốc Hoa sử dụng đồ uống có cồn. Tỷ lệ này ở người gốc Ấn là 18,8%. Đối với cộng đồng người thổ dân, con số này là 20,3%. Còn các sắc tộc thiểu số khác, trong đó có cộng đồng người Việt tại Malaysia, người sử dụng bia rượu chiếm 11,3%.

Điều này cũng được thể hiện rõ khi quan sát các cửa hàng, nhà hàng, trung tâm vui chơi giải trí trên khắp Malaysia. Tại các địa điểm kinh doanh thương mại, ăn uống và vui chơi của người Mã Lai, bia rượu không được phép bày bán. Trong khi đó, tại tại các nhà hàng của người Malaysia gốc Hoa, bia là mặt hàng rất phổ biến. Còn trong các nhà hàng, khách sạn hay quán bar theo phong cách phương Tây, đồ uống có cồn và rượu vang có thể dễ dàng tìm được. 

Cũng theo nghiên cứu mới đây của NIH, tiêu thụ bia đứng hàng đầu tại Malaysia, chiếm 60% đồ uống có cồn. Tiếp theo là rượu vang, 17%, rượu hoa quả - 13% và rượu mạnh (10%). Tính trung bình, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn nói chung ở Malaysia vào khoảng 7 lít/người/năm, thấp hơn nhiều so với Việt Nam cũng như nhiều nước khác. Con số này đối với mặt hàng bia là 11 lít. Tính chung, mỗi năm người dân Malaysia tiêu tốn khoảng 500 triệu USD cho các loại đồ uống có cồn, một con số cũng không nhỏ xét trên quy mô dân số và số lượng dân số sử dụng loại đồ uống này.

Dù quy mô không lớn như ở nhiều nước khác, song những tác hại của rượu bia đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo đối với Malaysia. Ngoài việc tiêu tốn khoảng 500 triệu USD mỗi năm như đã nói ở trên, thống kê của các cơ quan chức năng Malaysia còn cho thấy rượu bia chính là nguyên nhân gây ra khoảng 30% số vụ tai nạn giao thông hàng năm tại nước này, trong đó có đến 38% là tử vong. Bia rượu cũng là nguyên nhân gây hao tổn sức khỏe, dẫn đến các nguy cơ bệnh tật nghiêm trọng, làm giảm năng lực hành vi, là nguyên nhân gây ra bạo hành gia đình và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực nói chung của Malaysia. 

Đồng bộ trong chính sách

Trước những tác hại to lớn mà rượu bia gây ra, Chính phủ Malaysia đã triển khai hàng loạt biện pháp ngăn ngừa. Trước hết, chính phủ chủ trương hạn chế kinh doanh, tiêu thụ bia rượu đối với cả những người không theo Hồi giáo, bên cạnh việc sử dụng tôn giáo để triệt tiêu việc sử dụng bia rượu đối với các tín đồ đạo Hồi. Thậm chí, đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) còn khuyến nghị cấm bia rượu tại các địa phương có người Hồi giáo chiếm đa số. Điều này đã vấp phải sự phản kháng trong suốt những năm qua của những đảng phái như đảng Hành động Dân chủ (DAP) với nòng cốt là những người Malaysia gốc Hoa. Tuy nhiên, những phản kháng như vậy không thể làm lung lay quyết tâm của chính phủ Malaysia.

Để hạn chế bia rượu, Chính phủ Malaysia còn ra lệnh cấm quảng cáo về tất cả các loại uống có cồn. Một số nhà lãnh đạo Hồi giáo thậm chí còn kêu gọi chính phủ ra lệnh cấm đồ uống có cồn trên phạm vi cả nước. Malaysia có tòa án Hồi giáo (Sharia) thi thoảng áp dụng hình phạt đánh roi công khai đối với các tín đồ Hồi giáo nam giới bị bắt gặp sử dụng đồ uống có cồn nhằm nêu gương và ngăn chặn tệ nạn này. Ngoài ra, Malaysia còn áp dụng biện pháp đánh thuế rất cao đối với các mặt hàng rượu bia. Malaysia là nước đánh thuế bia rượu cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Na Uy và Singapore.  Kết quả là các mặt hàng bia rượu tại Malaysia có giá thường cao gấp 2, thậm chí 3 - 4 lần so với Việt Nam. 

Cũng nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh đồ uống có cồn, Chính phủ Malaysia còn đề ra quy định để được bán bất cứ loại rượu hay đồ uống có cồn tại nước này, người bán hàng rong, nhà hàng và người bán lẻ phải có giấy phép của các cơ quan chức năng.

Gần đây, ngày 17/10, Bộ Y tế Malaysia đã công bố quyết định nâng độ tuổi được phép mua đồ uống có cồn từ 18 lên 21 tuổi. Bên cạnh đó, các cửa hàng bán đồ uống có cồn phải niêm yết cảnh báo “Đồ uống có cồn gây nguy hiểm cho sức khỏe” tại các lối vào khu vực kinh doanh. Cảnh báo này cũng phải được in trên tất cả các sản phẩm đồ uống có cồn. Các đơn vị sản xuất còn phải in thông tin về độ tuổi tối thiểu được mua loại đồ uống này lên tất cả các sản phẩm của mình. Theo quy định 361 sửa đổi và quy định 386A về đồ uống có cồn của Malaysia, các cá nhân vi phạm các quy định trên sẽ bị phạt một khoản tiền lên đến 10.000 ringgit (khoảng 2.500 USD) hoặc bị phạt tù tối đa 2 năm.

Để ngăn ngừa tai nạn giao thông do rượu bia, Chính phủ Malaysia quy định nồng lượng cồn trong máu cho phép khi tham gia giao thông là 80mg/100ml. Người vi phạm sẽ bị phạt số tiền lên đến hàng trăm USD, tùy mức độ vi phạm. Thậm chí, người vi phạm còn bị phạt tù tối đã 6 tháng, dù là vi phạm lần đầu. Bên cạnh đó, họ có thể còn bị tước bằng lái xe.

Không chỉ Chính phủ Malaysia, nhiều tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ tại nước này trong thời gian qua đã tích cực vào cuộc. Họ rầm rộ tiến hành các chiến dịch chống lại đồ uống có cồn và nỗ lực thúc đẩy chính phủ thông qua chính sách quốc gia kiên quyết hơn đối với vấn đề bia rượu, trong đó có việc tăng cường kiểm soát đồ uống có cồn và giám sát chặt chẽ các hình thức quảng cáo tinh vi của các công ty bia rượu.

Hoàng Nhương (P/v TTXVN tại Malaysia)