10:11 14/10/2017

Phòng chống sạt lở đất và lũ quét để phát triển bền vững

Từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước đã ghi nhận trên 250 đợt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích hơn 646 người, hơn 9.700 ngôi nhà bị hư hỏng.


Trước tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản, sáng nay, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội thảo: “Sạt lở đất – Lũ quét và giải pháp cho sự phát triển bền vững”.

Hội thảo đã đưa ra nhiều tham luận tìm giải pháp khắc phục sạt lở đất và lũ quét.


Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Đinh Quế Hải cho biết, với vai trò, trách nhiệm của mình UBDT sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất nhằm giải quyết một cách căn bản phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để đồng bào có cuộc sống an toàn, ổn định.


Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước đã ghi nhận trên 250 đợt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích hơn 646 người, hơn 9700 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 3300 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong đợt mưa lũ lịch sử diễn ra từ ngày 10/10 đến nay, đã có gần 50 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết do sạt lở, lũ quét từ đầu năm 2017 đến nay lên hơn 100 người.

Sạt lở đất làm nhiều tuyến đường ở Lào Cai bị sạt lở nghiêm trọng.


Hội thảo đã nghe 7 bài tham luận được chuẩn bị công phu, được các tác giả trình bày là kết quả nghiên cứu, phân tích, ứng dụng vào thực tiễn liên quan đến sạt lở đất, lũ quét. Các bài phát biểu và các ý kiến trao đổi tại hội thảo cho thấy thực trạng sạt lở đất-lũ quét, ảnh hưởng của tình trạng này đến đời sống của đồng bào tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; những dự án điển hình đã áp dụng xử lý phòng chống và khắc phục sạt trượt tại Hà Giang, Hòa Bình; những kinh nghiệm xử lý trượt đất và lũ quét của Nhật Bản, giải pháp vận dụng cho phù hợp với Việt Nam. Chúng ta ghi nhận kiến nghị của các địa phương làm cơ sở huy động các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế (như JICA...) để hỗ trợ cho các Dự án bố trí sắp xếp dân cư, quy hoạch dân cư để giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.

Do nền đất yếu, nên nguy cơ sạt lở đất rất cao.


Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đinh Quế Hải cho rằng, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét; tăng cường nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho vấn đề này. Mặt khác, các địa phương chủ động rà soát, di dời các hộ dân sống ở nơi nguy hiểm đến nơi an toàn, xây dựng đề án ổn định dân cư, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng trên vùng dân tộc và miền núi. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục người dân trong vùng bị ảnh hưởng về các biện pháp cơ bản phòng chống lũ quét sạt lở để giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại. kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu…


Tin, ảnh: Trọng Thủy (Báo Tin tức)