11:20 22/11/2018

Phòng, chống kháng thuốc để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Việt Nam là một trong các nước trong những năm gần đây đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng lớn của tình trạng kháng kháng sinh do việc sử dụng quá mức, sử dụng không hợp lý ở tất cả các cấp của hệ thống chăm sóc y tế, trong nuôi thủy sản, chăn nuôi và trong cộng đồng.

Để giải đáp câu hỏi Việt Nam đã làm gì để hạn chế sự gia tăng của tình trạng kháng kháng thuốc, rào cản cho những thành tựu y tế của Việt Nam và nhân loại, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết "Phòng, chống kháng thuốc để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh" của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống kháng thuốc:

Chú thích ảnh
Điều trị kháng thuốc bệnh nhi mắc bệnh viêm màng não mủ. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Từ năm 2011, Ngày Sức khỏe thế giới 7/4, Tổ chức Y tế thế giới đã lấy khẩu hiệu “Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”. Tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, lao, nhiễm trùng máu, bệnh lậu, và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Vi khuẩn kháng thuốc làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Tình trạng kháng thuốc đã trì hoãn việc điều trị cho bệnh nhân bằng kháng sinh phù hợp, mất hiệu quả chống nhiễm trùng, mất hiệu quả của kháng sinh dự phòng trong các thủ thuật y khoa và phẫu thuật. Hậu quả là tăng tỷ lệ bệnh nhân tử vong, tăng thời gian điều trị nội trú và tốn kém chi phí điều trị.

Dự báo vào năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ đô la Mỹ và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong thêm trong mỗi năm. Thậm chí, hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với hậu quả khủng hoảng tài chính. Kết quả nghiên cứu thực trạng sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh tại Việt Nam 2010 cho thấy phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn thuốc: tỷ lệ là 88% ở khu vực thành thị và 91% ở nông thôn.

Mua kháng sinh để điều trị ho là 31,6% (ở thành thị) và sốt 21,7% (nông thôn). Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29.1%), cephalexin (12.2%) và azithromycin (7.3%). Người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn 49,7% (thành thị) và 28,2% (nông thôn).

Tính đến tháng 7/2016, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố Việt Nam cùng với Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan - 5 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng được xác nhận ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum kháng với thuốc điều trị lựa chọn đầu tiên (liệu pháp phối hợp dựa trên artemisinin). 

Nguyên nhân của tình trạng kháng kháng sinh do kê đơn kháng sinh quá mức; bệnh nhân sử dụng kháng sinh không theo kê đơn hoặc sử dụng kháng sinh không đủ liệu trình; sử dụng kháng sinh không cần thiết trong nông nghiệp (nuôi trồng và thuỷ sản); kiểm soát nhiễm khuẩn kém ở trong cơ sở y tế; vệ sinh kém; thiếu các kháng sinh mới được sáng chế….

Thực hiện lời kêu gọi và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về chống kháng thuốc: Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa, ngay từ năm 2013, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020 theo cách tiếp cận Chương trình Một sức khỏe: 6 mục tiêu đã được đề ra trong Kế hoạch hành động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc; tăng cường, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn; tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.   

Bộ Y tế xác định công tác phòng, chống kháng thuốc kháng sinh là một nhiệm vụ ưu tiên của ngành Y tế và cần sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Y tế đã phối hợp các Bộ, ngành ký bản ghi nhớ hợp tác triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc, ký cam kết chung tay hành động chống kháng thuốc tại Việt Nam. Ban Chỉ đạo quốc gia về chống kháng thuốc, các tiểu ban chuyên môn về giám sát kháng thuốc, kiểm soát nhiễm khuẩn… được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch hành động.

Bộ Y tế Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc. Trải qua 5 năm thực hiện kế hoạch hành động, các giải pháp tổng thể đã được triển khai. Bộ Y tế đã thực hiện giải pháp về truyền thông, giáo dục sức khỏe để mọi người hiểu và thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới: “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”: như xây dựng và phổ biến Bộ tài liệu truyền thông cho cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc;

Tổ chức các sự kiện truyền thông: như mít tinh, buổi họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí về kháng kháng sinh hưởng ứng Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh hàng năm trong tháng 11, các cán bộ y tế ký cam kết hành động kê đơn kháng sinh khi cần thiết. Website về chống kháng thuốc được xây dựng và duy trì với mục đích cung cấp các thông tin, tài liệu hữu ích cho cán bộ y tế, cộng đồng về kháng thuốc: http://amr.moh.gov.vn)...

Bên cạnh đó, mạng lưới giám sát quốc gia về kháng kháng sinh được thiết lập, với sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Mạng lưới giám sát quốc gia trong giai đoạn hiện nay có 16 Bệnh viện tham tra trong cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đơn vị giám sát kháng thuốc được thành lập tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh từ năm 2015, đang triển khai giám sát về kháng thuốc kháng sinh và giám sát về sử dụng kháng sinh trong các bệnh viện.

Dữ liệu giám sát kháng kháng sinh từ các bệnh viện, được báo cáo thông qua phần mềm WHONET về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để tổng hợp chung vào dữ liệu hệ thông giám sát. Năng lực của mạng lưới giám sát kháng thuốc đã được tăng cường để thực hiện công tác xác định nguyên nhân gây bệnh và giám sát về kháng kháng sinh, thông qua các hoạt động: đào tạo về thực hành kỹ thuật vi sinh; đào tạo về quản lý dữ liệu kháng kháng sinh bằng phần mềm WHONET; Tổ chức các đợt hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp tại các phòng xét nghiệm vi sinh bởi các chuyên gia quốc tế và trong nước… 

Đối với việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các thông tư về quy định xét nghiệm vi sinh; hướng dẫn sử dụng thuốc; hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng; quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thuốc và điều trị; quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú…

Các tài liệu chuyên môn đã được ban hành: như hướng dẫn sử dụng kháng sinh, hướng dẫn thực hiện quản lý, sử dụng kháng sinh trong Bệnh viện; một loạt các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị được xây dựng: về bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh hô hấp...

Đây chính là nguồn tài liệu chuyên môn có giá trị thực hành lâm sàng để các bác sỹ thực hiện chỉ định dịch vụ kỹ thuật đúng, chẩn đoán đúng và chỉ định thuốc điều trị đúng bệnh, đúng liều lượng, hợp lý, an toàn cho người bệnh. Đồng thời, ngành tổ chức các chương trình đào tạo cập nhật kiến thức y khoa về chẩn đoán, điều trị như viêm phổi mắc phải cộng đồng, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bộ Y tế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn triển khai Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, MSD.

Trong hoạt động đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm, Bộ Y tế luôn đặt vấn đề đánh giá tuân thủ hướng dẫn chuyên môn, chỉ định sử dụng kháng sinh, chất lượng xét nghiệm… là một trong những tiêu chí quan trọng trong nâng cao chất lượng bệnh viện.

Về tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó quy định thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn: như giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch; Vệ sinh tay; Quản lý và xử lý thiết bị, dụng cụ y tế; Vệ sinh môi trường bệnh viện… Chương trình Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đã được triển khai với sự hỗ trợ của CDC.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh với vai trò cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, đã tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để huy động hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và hợp tác cùng nhau trong cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh.

Trong năm 2018,  thực hiện khẩu hiệu “Kháng sinh: sử dụng có trách nhiệm” trong “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh từ 12 - 18/11/2018”, Việt Nam thực hiện cách tiếp cận mới trong truyền thông, nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh. Bộ Y tế tổ chức 3 sự kiện mít tinh trong Tuần lễ từ 12 - 18/11/2018 tại ba Trường Đại học Y, Dược lớn trong cả nước: Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội (ngày 13/11/2018) và tại Trường Đại học Y Hải Phòng (ngày 14/11/2018).

Các Trường Đại học Y, Dược, Nông nghiệp  - là nơi đào tạo ra các bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, bác sỹ thú y… là người sẽ tham gia vào quá trình chẩn đoán, chỉ định kháng sinh, điều trị và tư vấn về sử dụng kháng sinh ở người và động vật trong tương lai.

Thông qua sự kiện mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh từ 12 - 18/11/2018”, Bộ Y tế nhấn mạnh: Kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi, Kháng kháng sinh xảy ra tự nhiên, nhưng việc sử dụng kháng sinh không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh dẫn đến các bệnh nhiễm trùng điều trị khó hơn hoặc kém hiệu quả, thời gian nằm viện kéo dài hơn, chi phí y tế cao hơn và tỷ lệ tử vong gia tăng.

Bên cạnh đó, ngày 16 - 17/11/2018, Cục Thú y ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp phối hợp với các bên liên quan tổ chức hai hội thảo về kháng kháng sinh (một hội thảo cho các sinh viên thú y năm cuối và trên đại học; một hội thảo cho các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các cán bộ thú y địa phương).

Để thực hiện các hoạt động truyền thông, Bộ Y tế,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, in ấn, cấp phát các tài liệu tuyên truyền về kháng kháng sinh nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống kháng sinh cho cộng đồng, sinh viên, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất, phân phối thuốc thú y.

Với mục đích mô tả thực trạng về kháng kháng sinh tại Việt Nam và các giải pháp để đáp ứng với tình trạng này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế đã xây phóng sự về “Chống kháng thuốc tại Việt Nam - Hành trình 5 năm, 2013-2018” và tham gia buổi tọa đàm với chủ đề “Kháng kháng sinh tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Đây là phóng sự đầu tiên ghi nhận công tác phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Để phòng, chống kháng kháng sinh, trước hết vai trò chỉ đạo, điều hành, cam kết của Bộ Y tế là quan trọng, tiếp đó là sự phối hợp, hợp tác giữa các Bộ ngành, các tổ chức trong nước quốc tế, hệ thống khám, chữa bệnh và đặc biệt là trách nhiệm của người dân trong sử dụng kháng sinh. Nhận thức vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, chúng ta hãy chung tay hành động: “Sử dụng kháng sinh đúng cách và có trách nhiệm".

TTXVN/Báo Tin tức