04:14 12/04/2018

Phòng chống cháy nổ tại các chung cư cao tầng ở Hà Nội - Bài 4: Đừng để thấy khó làm liều

Dự án khu nhà ở thương mại và dịch vụ Nàng Hương ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội, có diện tích hơn 9.500m2, trong đó 2 tòa chung cư CT1, CT2 do Công ty cổ phần xây lắp điện I (PCCI) làm chủ đầu tư. Dự án vừa được Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội báo cáo trước lãnh đạo thành phố Hà Nội vào đầu tháng 4/2018: Sau 8 năm, 2 tòa chung cư này đã được nghiệm thu và ra khỏi danh sách “đen” các chung cư cao tầng vi phạm về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, trên thực tế khảo sát của phóng viên TTXVN ngày 10/4 cho thấy, những điều đáng lo ngại trước nguy cơ “giặc lửa” đang hiển hiện tại nơi có hàng ngàn người dân sinh sống này.

Ngay lối đi xuống hầm của hai tòa nhà CT1 và CT2, Dự án khu nhà ở thương mại và dịch vụ Nàng Hương là một “rừng” xe máy với đủ chủng loại. Hàng trăm chiếc xe để sát nhau, chật kín, gần như chiếm hết đường ra, vào tầng hầm và vây quanh phòng trực hệ thống báo cháy của tòa nhà. Không khí ngột ngạt, đặc quánh mùi xăng xe. Cho dù các quạt thông gió dưới tầng hầm đã chạy hết công suất, nhưng mùi từ hàng ngàn lít xăng trong “rừng” xe này vẫn từ đây theo cánh cửa mỏng manh ở lối thoát nạn, thoát hiểm đang mở bốc lên thẳng các tầng trên.

Bước trên những bậc thang bộ, phóng viên nhận thấy, chủ đầu tư đã không lắp đặt lối thoát nạn, thoát hiểm riêng giữa tầng một với tầng hầm, không xây tường ngăn tại khu vực này để chống khói lan lên các tầng trên trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn theo quy định. Ngoài ra, khoang đệm ngăn cháy tại những nơi này cũng bị chủ đầu tư “quên” bố trí, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hệ thống tăng áp mới được bổ sung... không hoạt động, không tạo ra áp suất dương trong khu vực thoát nạn, thoát hiểm của tòa nhà. Trong khi, đây là những bộ phận có vai trò, chức năng quan trọng trong giải pháp chống tụ khói, bảo vệ người thoát nạn đã được Nhà nước quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội cũng đã hướng dẫn những nội dung cơ bản này trong công tác thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy đối với loại hình công trình nhà cao tầng.

Tại mỗi tầng ở tòa nhà này, nhìn vào phòng kỹ thuật điện, kỹ thuật nước, phòng thu gom rác cũng cho thấy những điều đáng ngại khi toàn bộ những cánh cửa ở đây đều có chất liệu bằng gỗ MDF sơn trắng, khó bảo đảm tiêu chuẩn ngăn cháy, cháy chậm của cửa thép theo qui định. Nhưng đỉnh điểm của những nguy cơ mất an toàn trước “giặc lửa” đang hiển hiện tại nơi này là toàn bộ hai tòa nhà CT1 và CT2, Dự án khu nhà ở thương mại và dịch vụ Nàng Hương, gồm bên trong hàng trăm căn hộ, ngoài hành lang và khu văn phòng chỉ lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, không bố trí hệ thống chữa cháy tự động theo quy định.

Tận mắt chứng kiến chung cư vừa ra khỏi danh sách "đen" vẫn tồn tại những vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy, Kiến trúc sư chuyên ngành về kỹ thuật xây dựng Đỗ Ngọc Giao - Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc Tây Hồ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhìn nhận: Quan khảo sát tổng thể đến địa hình từng căn hộ ở 2 tòa nhà CT1, CT2 thì thấy rõ hàng loạt lỗi vi phạm xét theo các quy chuẩn của Nhà nước tại QCVN 06: 2010/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; TCVN 3890: 2009 tiêu chuẩn quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình; TCVN 6160:1996 tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy - nhà cao tầng - yêu cầu thiết kế. Trong đó, như tiêu chuẩn tại TCVN 3890:2009 bắt buộc nhà cao tầng có chiều cao từ 25m trở lên, tương đương 7 tầng phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động nhưng 2 tòa nhà CT1 và CT2 có chiều cao lần lượt là 17 tầng, 21 tầng đều không thực hiện quy định này.

“Tình trạng tại nơi này rất tương đồng với những tồn tại, vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy tại chung cư Carina Plaza (Thành phố Hồ Chí Minh). Trong trường hợp xảy ra cháy nổ tại khu vực tầng hầm của tòa nhà này, việc thoát hiểm của cư dân qua hai đường thoát nạn rất hạn chế”, ông Đỗ Ngọc Giao nói.

Trước những vấn đề này, Trưởng ban Quản lý Dự án khu nhà ở thương mại và dịch vụ Nàng Hương Lê Chí Linh lại cho rằng: Việc làm khoang đệm ngăn cháy, chống khói tại khu vực thoát nạn cũng như hệ thống chữa cháy tự động… là những thứ không thể và khó có thể làm được bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có chính sách. Dự án khu nhà ở thương mại và dịch vụ Nàng Hương là công trình thi công xây dựng từ trước thời điểm có quy chuẩn quốc gia QCVN 06: 2010/BXD nhưng chủ đầu tư cũng đã rất tích cực khắc phục tồn tại đó, điển hình như mới đây đã cho lắp đặt hệ thống tăng áp.

“Làm khoảng đệm ở lối thoát nạn thì hết lối đi. Lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động rất khó, phải xới tung hết lên và liên quan đến nhiều vấn đề như máy bơm, hệ thống cấp nước, bể chứa nước, sàn, trần, nguồn cấp điện, dung tích bể nước. Và muốn làm chỉ có cách phải đưa hết bà con ra ngoài bởi nó liên quan đến nhiều thứ. Mà việc lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy không đề nghị, chỉ có kiến nghị chủ đầu tư”, ông Linh trả lời.

Không riêng Dự án khu nhà ở thương mại và dịch vụ Nàng Hương, những vấn đề tương tự cũng lộ rõ tại nhiều công trình nhà cao tầng trong số 50 chung cư Hà Nội vừa ra khỏi danh sách “đen” của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố. Điểm chung của các chung cư này đều là đổ lỗi do chính sách thay đổi, chủ đầu tư khó có thể thực hiện được theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn Nhà nước quy định, dù biết đó là vấn đề an toàn tới tính mạng người dân. Và với đà này, tới đây 14 tòa nhà trong số 29 chung cư còn lại nếu khắc phục xong các tồn tại sẽ tiếp tục được nghiệm thu. Trong khi đó, chính quyền thành phố Hà Nội mới đây tỏ rõ quyết tâm trước những tồn tại, vi phạm tại các chung cư cao tầng trên địa bàn nhằm bảo vệ sự an toàn của người dân.

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chỉ đạo các cấp, các ngành: “Quá trình kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại các chung cư cao tầng sẽ bắt quả tang, xử lý tại chỗ. Thiếu cái gì, Chủ tịch xã, phường, quận, huyện chịu trách nhiệm; ban quản trị, chủ đầu tư, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an phường, xã chịu trách nhiệm. Chúng ta cần có biện pháp mạnh để hành động".

Dư luận đang đặt câu hỏi, với kiểu khắc phục “dễ làm, khó bỏ” như trên cũng như tốc độ nghiệm thu của cơ quan chức năng, liệu tính mạng của hàng vạn người dân trong các tòa nhà này có an toàn trước “giặc lửa”?

Hạnh Quỳnh (TTXVN)