06:17 25/06/2014

Phòng chống bệnh nhiễm liên cầu lợn ở người

Sở Y tế Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành tăng cường các biện pháp phòng chống lây lan hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (Mers – Cov) và tăng cường giám sát và phòng chống nhiễm liên cầu lợn ở người.

Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh, tuần qua, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành tăng cường các biện pháp phòng chống lây lan hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (Mers – Cov) và tăng cường giám sát và phòng chống nhiễm liên cầu lợn ở người.


Tính đến tháng 6/2014, cả nước đã ghi nhận 16 trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người, trong đó có 5 trường hợp đã tử vong. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống nhiễm liên cầu lợn ở người. Trong đó, Trung tâm Y tế Dự phòng phối hợp với Chi Cục Thú y thành phố nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trên người; hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý ổ dịch cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã. Đồng thời tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ đối với các ca bệnh nghi do nhiễm liên cầu lợn tại các bệnh viện Trung ương, bệnh viện Bộ, ngành và các bệnh viện tuyến thành phố để kịp thời xử lý ổ dịch tại cộng đồng, đảm bảo trang thiết bị, hóa chất cho công tác xử lý ổ dịch.


Ngoài ra, các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã phối hợp với các trạm Thú y nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan sang người. Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các bệnh viện được phân cấp và cộng đồng, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch, tăng cường tuyên truyền để nhân dân biết các biện pháp phòng bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường khám sàng lọc để phát hiện sớm ca bệnh, thông báo cho Trung tâm Y tế Dự phòng hoặc Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã điều tra, xử lý ổ dịch tại cộng đồng theo quy định. Đáp ứng về nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị cho bệnh viện nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.


Đối với dịch Mers – Cov, hiện ở Việt Nam chưa phát hiện những trường hợp nhiễm chủng vi rút mới này nhưng do Hà Nội là đầu mối giao lưu trong nước cũng như Quốc tế nên có nguy cơ dễ bị dịch xâm nhập. Để phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh và xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế thấp nhất tử vong, Sở Y tế đã xây dựng 3 tình huống khi chưa ghi nhận ca bệnh; xuất hiện các ca bệnh nhiễm Mers – Cov tại Hà Nội và khi dịch đã lây lan ra cộng đồng để chủ động phòng chống dịch bệnh.



Tuyết Mai