12:10 24/12/2018

Phòng, chống bạo lực gia đình - Bài 2: Sửa đổi luật phù hợp với thực tiễn

Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc thực thi Luật vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn trong quá trình triển khai, nhiều điều trong Luật phải sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn…

Thiếu số liệu thuyết phục

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện theo Luật, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ và phối hợp tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ Trung ương tới cơ sở.

Tổng hợp số liệu từ các địa phương trong 10 năm qua cho thấy, nhìn chung tình hình bạo lực gia đình có xu hướng giảm về số vụ, năm sau thấp hơn năm trước. Từ năm 2009-2017, tổng số vụ bạo lực gia đình ở địa phương phát hiện, tổng hợp báo cáo là hơn 292.000 vụ, trung bình mỗi năm là 36.543 vụ…

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy thẳng thắn nhìn nhận: Các con số thống kê chưa thể nói được đầy đủ về thực trạng bạo lực gia đình hiện nay, bởi ngay từ số liệu báo cáo ở cơ sở, giữa các bộ, ngành đã có sự chênh lệch rất lớn, thậm chí trái ngược nhau, thiếu thống nhất dẫn đến khó khăn trong thu thập, báo cáo về tình hình bạo lực gia đình.  

Hiện nay, việc thông tin tổng hợp về bạo lực gia đình được thực hiện theo ngành dọc. Mỗi cơ quan, tổ chức lại có cách thực tổng hợp theo đối tượng và chức năng nhiệm vụ riêng. Các số liệu này lại chưa có sự chia sẻ giữa các ngành dẫn đến sự rời rạc, không thể khái quát được thành số liệu chung về tình hình bạo lực gia đình ở Việt Nam.

Cụ thể, các ngành Tòa án, Công an, Y tế, Tư pháp… cùng có báo cáo, tổng hợp về bạo lực gia đình nhưng có những vụ bạo lực chỉ có 1, 2 hoặc 3 cơ quan tổng hợp số liệu chứ không phải tất cả cùng làm. Thực trạng này dẫn đến sự giao thoa số liệu rất lớn giữa các ngành. Số liệu từ các cơ quan có thể chỉ phản ánh được bề nổi của “tảng băng trôi” bạo lực gia đình mà thôi.

Tổng hợp số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học về bạo lực gia đình những năm gần đây cho thấy, có 30% số hộ gia đình được phỏng vấn cho biết trong 12 tháng gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là bạo lực gia đình theo quy định của Luật.

Từ đó có thể thấy, hằng năm số hộ gia đình có hành vi bạo lực gia đình có thể lên đến hàng triệu hộ. Kiểm tra tình hình bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư cho thấy, hành vi bạo lực gia đình xuất hiện khá phổ biến nhưng phần lớn không được coi là bạo lực gia đình hoặc bị che giấu vì yếu tố văn hóa hoặc vì thành tích “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”…

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhận định: Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình ở Việt Nam là thiếu số liệu về thực trạng tình hình, nguyên nhân, hậu quả, các yếu tố tác động… để từ đó có bằng chứng thực tế cho việc xây dựng chính sách, thiết kế chương trình phù hợp.

Từ thực tế đó, từ năm 2009, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đã hỗ trợ, phối hợp cùng Tổng cục Thống kê tiến hành “Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ”. Đây là nghiên cứu quy mô quốc gia, góp phần cung cấp số liệu định lượng, định tính về bạo lực gia đình ở Việt Nam…

Hiện nay, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê tiến hành nghiên cứu quốc gia lần 2 về bạo lực với phụ nữ nhằm đưa ra bằng chứng về tác động của chính sách, chương trình phòng chống bạo lực gia đình trong 10  năm qua, từ đó đưa ra khuyến nghị cho tương lai…

Sửa đổi Luật để thực hiện hiệu quả hơn

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: Qua 10 năm thực hiện Luật, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã nhận được sự ủng hộ hợp tác, hỗ trợ và phối hợp tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hiểu biết, nhận thức của người dân cũng như toàn xã hội được nâng lên, hành vi bạo lực gia đình từng bước được giải quyết theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắng nhìn nhận rằng, bạo lực gia đình vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Quá trình triển khai, thi hành luật pháp về phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn hạn chế, bất cập, khó khăn.

Ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành chưa quy định rõ một số khái niệm và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này, các chính sách đầu tư nguồn lực từ Nhà nước và huy động xã hội hóa cũng chưa rõ điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, triển khai.

Việc xử phạt vi phạm hành chính dù đã được thực thi nhưng chưa tương xứng với số vụ bạo lực gia đình do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt. Hình thức xử phạt hành chính hiện nay chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản đến việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân và xử lý người gây ra bạo lực gia đình…

Quỹ Dân số Liên hợp quốc ở Việt Nam đưa ra khuyến nghị: Việc thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình còn hạn chế trong việc đưa ra giải pháp đảm bảo công lý cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Hiện tại, các biện pháp giải quyết bạo lực gia đình trong Luật mới chỉ tập trung vào việc hòa giải, từ đó hàn gắn và hòa hợp gia đình, áp dụng xử phạt hành chính bằng tiền thay vì kết án.

Biện pháp này thường sẽ tác tiếp tục tác động tiêu cực đến nạn nhân bởi tiền nộp phạt sẽ là từ tiền của cả gia đình chứ không phải là tiền riêng của người gây ra bạo lực…Việc sửa đổi Luật sẽ phải đảm bảo rằng không sử dụng hòa giải gia đình là giải pháp chủ chốt…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề xuất, kiến nghị gửi tới Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và tình hình thực tế.

Những quy định cần sửa đổi, bổ sung gồm: Điều 1, Điều 2, Điều 6, Điều 12, Điều 15, Điều 17, Điều 20, Điều 21, Điều 23 đến điều 41… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tăng cường giám sát thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành theo chuyên đề hoặc các địa bàn là điểm “nóng” bạo lực gia đình, được nhân dân, xã hội quan tâm…

Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm làm rõ hơn một số khái niệm, quy định để đảm bảo thực thi hiệu quả, sát thực tiễn. Luật cần quy định rõ hơn các biện pháp xử lý với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, người có thẩm quyền thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình…

Thanh Giang (TTXVN)