09:08 18/09/2014

Phòng bị chu đáo, hạn chế hậu quả của bão

Bão Kalmeagi (bão số 3) đổ bộ nước ta từ ngày 16/9 là một cơn bão mạnh, có tốc độ di chuyển rất nhanh và diễn biến phức tạp... hậu quả của cơn bão lớn này đã được hạn chế rất nhiều, một phần nhờ sự chuẩn bị chu toàn của các ngành, các cấp, các địa phương.

Bão Kalmeagi (bão số 3) đổ bộ nước ta từ ngày 16/9 là một cơn bão mạnh, có tốc độ di chuyển rất nhanh và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cơn bão đi qua, thống kê ban đầu chưa có thiệt hại về người, mặc dù đã có những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và sạt lở đất ở các địa phương. Như vậy, hậu quả của cơn bão lớn này đã được hạn chế rất nhiều, một phần nhờ sự chuẩn bị chu toàn của các ngành, các cấp, các địa phương.


Trước khi cơn bão đổ bộ, cả nước, đặc biệt các tỉnh ven biển và các tỉnh phía Bắc nơi cơn bão đổ bộ trực tiếp, đã tập trung toàn bộ sức người, sức của để chuẩn bị phòng tránh và ứng phó với cơn bão.


Chuẩn bị chu đáo


Trước khi cơn bão đổ bộ, ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện chỉ đạo ứng phó bão số 3, yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, cơ quan liên quan đình hoãn các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để nhân dân biết chủ động phòng chống bão, mưa lũ, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão, mưa lũ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

 

Đưa tàu thuyền rời khỏi âu thuyền tránh bão, chuẩn bị ra khơi khi hết lệnh cấm biển tại cảng cá Cửa Lân, Nam Thịnh, Thái Bình.Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và chủ động phòng chống bão số 3, các địa phương trong cả nước đã có những động thái tích cực.


Quảng Ninh, địa phương tâm bão đổ bộ, công tác di dân khẩn cấp tới nơi an toàn đã được tiến hành xong trong chiều 16/9. Tất cả các cuộc họp trong tỉnh được hoãn lại để tập trung ứng phó cơn bão và di chuyển dân tới nơi an toàn. Tỉnh di dời khẩn cấp hơn một vạn dân vùng nguy cơ bị sạt lở, vùng trũng. Quảng Ninh cũng yêu cầu các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, huyện thị phụ trách địa phương nào thì xuống địa phương đó trực bão.


Tại Hải Phòng, toàn bộ phương tiện hoạt động trên biển tại khu vực đảo Bạch Long Vỹ đã được đưa về nơi tránh bão, toàn bộ các phương tiện giao thông, vận tải khách đã cấm hoạt động.


Chủ động ứng phó với bão số 3, tỉnh Thái Bình coi công tác di dời dân là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Các địa phương trong tỉnh có dân trong diện phải di dời khẩn trương triển khai công tác đưa dân đến nơi trú bão an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định…, các cơ sở sản xuất kinh tế ven biển đều được cảnh báo và có các biện pháp phòng chống bão. Tại Nam Định, các chòi canh đầm nuôi trồng thủy sản ven biển được di dời. Công tác khắc phục các điểm xung yếu trên một số tuyến đê biển, đê sông được khẩn trương hoàn thành. Nam Định tập trung chỉ đạo tiêu rút nước đệm để phòng úng cho rau màu đang canh tác.

 

Tỉnh Ninh Bình thực hiện cấm biển, tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang cho đến khi bão tan, và thông báo ngư dân trên biển chủ động tìm nơi trú ẩn. Tại Nghệ An, ngư dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản và chủ động thu hoạch trước mưa bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Ngành nông nghiệp Nghệ An phối hợp với các địa phương chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch lúa vụ hè thu và các sản phẩm hoa màu khác với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.


Đề phòng hậu quả cơn bão


Chuẩn bị đối phó với lũ quét, lũ ống, sạt lở đất do hậu quả của cơn bão số 3, các tỉnh miền núi phía Bắc tích cực triển khai các biện pháp phòng chống. Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động chằng chống nhà cửa và các công trình công cộng; kiểm tra và sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập úng.

 

Lạng Sơn yêu cầu các huyện tổ chức tuyên truyền, có phương án di dời hơn 3 nghìn hộ gia đình ở khu vực nguy hiểm; rà soát, kiểm tra hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm; bảo đảm an toàn cho nhân dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất, bờ sông... đặc biệt là các vùng thấp ven sông Kỳ Cùng, sông Trung, sông Thương... UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo cảnh báo, kiểm soát người qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập. Đặc biệt, nghiêm cấm người dân vớt củi, xúc cá, lội qua suối… khi có mưa lũ.

 

Tại Hà Giang, các địa phương bố trí người canh gác các đập tràn, đập xung yếu trong thời gian mưa bão, không cho người dân đi lại trong trường hợp lũ vượt tràn từ 20 cm trở lên. Bên cạnh đó khẩn trương di dời các hộ dân sống ở nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở an toàn... Đặc biệt các huyện có nguy cơ sạt lở đất cao như: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Mèo Vạc… đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phương tiện, sẵn sàng cơ động, ứng cứu khi có tình huống xảy ra...


Tại Hà Nội, chủ động phòng chống úng ngập khi có mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn, công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch phòng chống.


Nhờ có sự chủ động tích cực của các địa phương, ban ngành, những thiệt hại về người và của do cơn bão số 3 mang lại đã được giảm ở mức thấp nhất.

 

Thái Hòa (tổng hợp)