11:11 26/11/2015

Phối hợp quản lý, sử dụng vốn hiệu quả

Xác định được tầm quan trọng về chính trị - kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) luôn bám sát chủ trương, định hướng phát triển vùng Tây Nguyên tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

                                                                           
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, có thể khẳng định Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên đã thành công với những con số ấn tượng thể hiện ở tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96%, trong khi tốc độ tăng trưởng chung toàn quốc là 7,76%. Trong đó, dư nợ cho vay bằng nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 15.233 tỷ đồng; dư nợ cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 664 tỷ đồng. 

Gia đình Y Yai M Lô, dân tộc Ê Đê ở xã Ea Rông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với vườn cà phê bắt đầu cho thu hoạch nhờ vốn vay ưu đãi. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại địa phương, xây dựng tình đoàn kết, trách nhiệm, gắn bó trong cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, cuối năm 2013, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng xã hội tại một số tỉnh, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên. 

Trong báo cáo trình Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 vào tháng 6/2014, Đoàn giám sát đã kết luận: “Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các tổ chức hội, đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng…”.

Nhờ có sự phối hợp tốt giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh trong vùng và NHCSXH, tính đến hết tháng 8/2015, tổng số vốn hỗ trợ bổ sung nguồn vốn ủy thác của địa phương là 959,6 tỷ đồng, bình quân mỗi tỉnh đạt 79,9 tỷ đồng. Đây là việc làm hết sức thiết thực để tăng sức mạnh của tín dụng chính sách. Chuyển biến tích cực nhất là nâng cao nhận thức của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, từ đó giúp nâng cao chất lượng tín dụng và quản lý vốn vay của NHCSXH. 

Vào thời điểm trước khi tiến hành Đề án, nợ quá hạn ở khu vực Tây Nguyên của NHCSXH cao hơn bình quân chung của toàn quốc và tiềm ẩn nợ quá hạn có chiều hướng gia tăng. Tổng dư nợ cho vay ở khu vực Tây Nguyên lúc đó chiếm tỷ trọng 11% dư nợ của toàn quốc của NHCSXH, trong khi tổng số nợ quá hạn gần chiếm tỷ trọng 13,2% nợ quá hạn của toàn quốc. Công tác vận động, tuyên truyền cho các tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hành tiết kiệm chưa được triển khai mạnh ở hầu hết các đơn vị. Còn nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém và hoạt động không hiệu quả, có nợ quá hạn cao, lãi tồn đọng lớn, kéo dài và thường xuyên bị xếp loại yếu kém.

Qua ba năm thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và hai năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa bàn Tây Nguyên, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, vận động, tuyên truyền, kết quả thu được là tỷ lệ nợ quá hạn đã xuống thấp bằng bình quân chung của toàn hệ thống NHCSXH và giữ ổn định từ giữa năm 2014 đến nay. Công tác phối hợp giữa các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng buôn, làng trong việc bình xét cho vay được thực hiện công khai và chất lượng, qua đó nâng cao được trách nhiệm quản lý, giám sát sử dụng vốn vay; khách hàng vay vốn đã có chuyển biến về ý thức được có vay, có trả, chấp hành khá tốt quy định nộp tiền lãi và gửi tiền tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng, trả nợ vay khi đến hạn.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, từ những kết quả đạt được trong ba năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và hai năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên, có thể rút ra kinh nghiệm: Cần có sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện và đặc biệt là cấp xã. Đồng thời có sự chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội thành công việc thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp và duy trì, ổn định, nề nếp nâng cao chất lượng tín dụng ngay từ địa bàn từng ấp, từng xã, từng huyện và việc thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, nhiệt tình của NHCSXH. 

Phát huy vai trò tích cực, trách nhiệm, kiên quyết của hội, đoàn thể nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc bám sát cơ sở, đôn đốc người vay chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ, trả lãi và thường xuyên giúp đỡ hộ vay trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả. Cần quan tâm và làm tốt việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan cho người dân, kịp thời, đúng chính sách quy định. Việc phối hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công, khuyến nông..., chuyển giao công nghệ của các cơ quan chính quyền và các hội, đoàn thể với công tác cho vay vốn của NHCSXH là yếu tố cơ bản giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, thoát được nghèo và trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.

PV