11:04 06/11/2018

Phối hợp liên ngành, nợ BHXH tại Hà Nội giảm nhanh

Sự phối hợp liên ngành và triển khai đồng bộ các giải pháp của Hà Nội đang đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động trên địa bàn.

Giảm gần 20% nợ

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Đàm Thị Hòa, tính đến tháng 9/2018, số tiền nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi là 1.694 tỷ đồng bằng 4,32% kế hoạch thu, giảm 423,2 tỷ đồng so với cùng kì năm 2017.

Chú thích ảnh
Trạm y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tổ chức khám chữa bệnh tuyến cơ sở. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Trong đó, liên ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đôn đốc thu nợ bảo hiểm xã hội tại 3.673 doanh nghiệp thu hồi số tiền nợ bảo hiểm xã hội là 315, tỷ đồng.

Trong đó, Thanh tra thành phố Hà Nội chủ trì thu hồi được 44,2 tỷ đồng; Thanh tra liên ngành (gồm Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố, BHXH Thành phố) thu hồi được 60,2 tỷ đồng; CATP Hà Nội cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra tại 334 doanh nghiệp nợ BHXH thu hồi 108,2 tỷ đồng…

Bên cạnh việc tiến hành thanh tra, kiểm tra đôn đốc thu hồi nợ, liên ngành đã làm việc với 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, đã bị xử phạt hành chính về hành vi chậm đóng, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nộp số tiền nợ bảo hiểm xã hội. Đến tháng 9/2018, 10 doanh nghiệp đã khắc phục nộp số tiền nợ bảo hiểm xã hội: 10,746 tỷ đồng, đạt 50,5% trên tổng số nợ.

Bảo hiểm xã hội thành phố cũng đã đề nghị Công an thành phố Hà Nội phối hợp điều tra, xác minh bảo đảm quyền lợi của người lao động tại 2 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội đã bị xử phạt vi phạm hành chính hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Công ty TNHH Tiến Đại Phát và Công ty TNHH Bona Apparel).

Sau khi có văn bản đề nghị Công an thành phố Hà Nội xác minh, điều tra hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, Công ty TNHH Tiến Đại Phát đã nộp 1,266 tỷ đồng (hết số nợ đến tháng 8/2018); Công ty TNHH Bona Apparel đã nộp 3,1 tỷ đồng/9,3 tỷ đồng.

Chủ động phối hợp liên ngành

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, bà Đàm Thị Hòa cũng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn vướng mắc còn tồn tại. Tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của trên 300 nghìn người lao động về chế độ bảo hiểm xã hội, BHYT.

Chỉ ra những khó khăn trong quá trình thực tế triển khai, Trung tá Nguyễn Tiến Thắng, Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội có thể kiểm tra chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ, chỉ còn một vài lao động nên thường tìm mọi lý do dể trốn tránh, không hợp tác với liên ngành nên chưa thực hiện được 100% các thông báo kiểm tra đã ban hành.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh và nộp thuế tại quận này nhưng trụ sở giao dịch lại thuộc địa bàn quận khác hoặc nhiều doanh nghiệp trước đây là doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa có số nợ lên đến hàng tỷ đồng với thời gian nợ trên 30 tháng nhưng hiện nay chỉ còn 1 hoặc 2 lao động, gần như không còn hoạt động nên không thể thu hồi nợ được.

Để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội đề nghị, cần có sự trao đổi thông tin, thống nhất giữa các đơn vị để có thể xác định được những công ty, doanh nghiệp có khả năng chi trả để tiến hành thanh tra, kiểm tra; đồng thời tập trung vào các công ty, doanh nghiệp có số nợ lớn.

Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, để thực hiện có hiệu quả việc đôn đốc nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn, cần tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN để cho người dân, người lao động nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Chỉ khi người lao động nhận thức được quyền lợi của mình thì mới có thể đòi hỏi người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ.

Để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội đề nghị, cần có sự trao đổi thông tin, thống nhất giữa các đơn vị để có thể xác định được những công ty, doanh nghiệp có khả năng chi trả để tiến hành thanh tra, kiểm tra; đồng thời tập trung vào các công ty, doanh nghiệp có số nợ lớn.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, thời gian tới các đơn vị trong liên ngành phải coi việc đôn đốc kiểm tra là nhiệm vụ của các ngành mình, đưa nội dung này vào các cuộc thanh tra liên ngành, tập trung vào các doanh nghiệp nợ số tiền lớn ảnh hưởng đến công nhân và người lao động.

Do đó, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh vấn để đối thoại, công khai các đơn vị nợ BHXH, phối hợp ngành Y tế tuyên truyền về luật hình sự, luật khám chữa bệnh và BHYT cho cán bộ y tế… Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp đôn đốc, thu nợ; tăng cường kiểm soát chi phí ; áp dụng hài hòa việc tuyên truyền với sử dụng biện pháp mạnh để tạo cho các doanh nghiệp nếp tự giác trong việc đóng BHXH, BHYT…

 

XC/Báo Tin tức