03:08 17/03/2018

Phố Wall chứng kiến một tuần mất điểm, giá vàng giảm mạnh

Lo ngại về nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại toàn cầu trở thành nhân tố chính chi phối diễn biến của các thị trường chứng khoán thế giới trong tuần qua, khiến giới đầu tư “phớt lờ” báo cáo việc làm tích cực của Mỹ trong tháng 2/2018, cũng như thông báo bất ngờ về cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Trong khi đó, giá vàng tuần qua cũng giảm mạnh...

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN .

Sau khi biến động ngược chiều phiên đầu tuần, Phố Wall liên tục đỏ sàn trong hai ngày liên tiếp (13-14/3). Tổng thống D.Trump đã yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từ chức và bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mike Pompeo vào vị trí này, điều khiến thị trường lo ngại bởi giới phân tích cho rằng ông Tillerson là người ủng hộ thương mại tự do và ông Pompeo có thể sẽ có một lập trường cứng rắn hơn trong các vấn đề thương mại. Điều này càng làm gia tăng mối quan ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu, khi mà người đứng đầu Nhà Trắng vừa quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép, đồng thời cân nhắc áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá hàng tỷ USD từ Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông.

Dow Jones phục hồi trở lại trong phiên giao dịch ngày 15/3, sau khi ngân hàng JPMorgan Chase trấn an dư luận rằng, không một sự điều chỉnh chính sách thương mại nào đủ lớn để có thể làm tổn hại đến kinh tế vĩ mô của Mỹ, và giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là con đường đàm phán cam go chứ không nổ ra một cuộc chiến thương mại bởi điều đó sẽ không làm bên nào được lợi. Ngoài ra, các số liệu mới về kinh tế Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhẹ và hoạt động chế tạo tại New York tăng, cũng góp phần nâng đỡ thị trường. Dù vậy, S&P 500 và Nasdaq vẫn tiếp tục trượt sâu.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/3, sắc xanh trở lại trên Phố Wall khi cả ba chỉ số chủ lực đồng loạt đi lên, chủ yếu nhờ báo cáo cho hay sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 2/2018 tăng 1,1%, ghi dấu mức tăng mạnh nhất trong bốn tháng, còn giá dầu bật tăng 1,7%. Tuy nhiên, biên độ dao động của các chỉ số trong phiên này còn hẹp và giới đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng trước khi diễn ra cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới, với dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp này.

Khép lại phiên 16/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 72,85 điểm (0,29%), lên 24.946,51 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 4,68 điểm (0,17%), lên 2.752,01 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite gần như đi ngang so với phiên trước, chỉ “nhích” nhẹ 0,25 điểm,  đóng cửa ở mức 7.481,99 điểm. Đáng chú ý, trong phiên này, giá cổ phiếu của nhà bán lẻ Walmart Inc tăng 1,9%, sau khi báo cáo sơ bộ từ Đại học Michigan cho hay chỉ số lòng tin tiêu dùng của Mỹ tăng cao hơn dự kiến. Giá cổ phiếu của Adobe Systems Inc tăng mạnh 3,1%, nhờ báo cáo kinh doanh khả quan.

Mặc dù phục hồi vào cuối tuần, song ba chỉ số chính của Phố Wall vẫn chứng kiến một tuần đi xuống. Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 1,57%, chỉ số S&P 500 mất 1,04%, còn Nasdaq hạ 1,27%.

Tuần qua, giá vàng thế giới ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong ba tuần, trước xu hướng mạnh lên của đồng USD và những đồn  đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị nâng lãi suất lần đầu tiên trong năm nay. Theo ước tính của các nhà phân tích, tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay giảm khoảng 0,8%.

Vàng được bày bán tại Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

*Trong phiên đầu tuần (12/3), giá vàng đi xuống, khi số liệu việc làm lạc quan của Mỹ đẩy các chỉ số chứng khoán đi lên và làm dấy lên những đồn đoán rằng Fed sẽ hướng tới nâng tiếp lãi suất trong năm nay. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng 2/2018 đã tạo mới được 313.000 việc làm, mức cao nhất kể từ tháng 7/2016 và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ổn định ở mức 4,1% trong tháng thứ năm liên tiếp. Số liệu lạc quan này đã khiến nhiều nhà đầu tư vững tin dự đoán rằng Fed sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm nay.

Sau khi phục hồi trong phiên 13/3, nhờ hoạt động mua vào của giới đầu tư, giá vàng giá vàng quay đầu giảm trong phiên 14/3 giữa bối cảnh đồng USD ổn định và thị trường gia tăng đồn đoán về khả năng lãi suất có thể được nâng lên tại Mỹ. Giá vàng tỏ ra khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, đồng thời làm đồng USD tăng giá - nhân tố khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua đang nắm giữ các đồng tiền khác.

Giá vàng tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày 15/3, do đồng USD mạnh lên. Song quan hệ căng thẳng giữa Vương quốc Anh và Liên bang Nga đã kiềm chế xu hướng giảm giá của kim loại quý này. Các chuyên gia cho biết đồng USD đã tăng giá so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác giữa bối cảnh các nhà giao dịch chờ đợi cuộc họp của Fed vào tuần tới.

Ngày 15/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng chỉ trích lập trường của nước Anh liên quan vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc, đồng thời cảnh báo Moskva đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả London trong vụ việc này. Trước đó ngày 14/3, Thủ tướng Theresa May tuyên bố London đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại nước Anh, sau khi London cáo buộc Moskva đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. 

Trong phiên cuối tuần (16/3), giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.312,36 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 4/2018 giảm 5,5 USD (0,4%) xuống đóng cửa ở mức 1.312,30 USD/ounce. Các chuyên gia nhận định triển vọng Fed nâng lãi suất đang đẩy lợi suất trái phiếu và đồng USD lên cao hơn, qua đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Theo các chuyên gia, sự vững mạnh của thị trường lao động và triển vọng lạm phát tăng ổn định có thể thúc đẩy Fed nâng lãi suất tại cuộc họp ngày 20-21/3. Cơ quan này dự kiến sẽ tiến hành ba đợt nâng lãi suất trong năm nay, song các nhà kinh tế dự báo Fed sẽ điều chỉnh nâng lên bốn đợt tại cuộc họp tới.


TTXVN/Báo Tin tức