09:15 08/09/2020

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng: Ngành Hải quan nỗ lực đảm bảo nguồn thu ngân sách

Trải qua 75 năm trưởng thành và phát triển, Hải quan Việt Nam không ngừng nỗ lực cải cách, đổi mới quy trình quản lý thu, góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ổn định, giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Báo Tin tức (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng:

Chú thích ảnh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng. Ảnh: BHQ.

Có thể thấy, trong suốt 75 năm qua, hoạt động của Hải quan Việt Nam luôn gắn liền với các nhiệm vụ chính trị, kinh tế của đất nước. Những thay đổi trong quản lý kinh tế đối ngoại theo tinh thần đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua đã đặt ra nhiều nhiệm vụ và thách thức cho Hải quan Việt Nam phải tự cải cách, đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Trong đó, đòi hỏi các quy định về hải quan phải được công khai, minh bạch, đơn giản, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế.

Sự tăng trưởng của kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) hàng năm đồng nghĩa với sự gia tăng tương ứng với khối lượng công việc mà ngành Hải quan đảm nhiệm. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu ngành Hải quan phải đổi mới phương thức thu thuế và quản lý thuế nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và nộp NSNN kịp thời.

Thống kê số thu NSNN của toàn ngành trong 10 năm qua cho thấy, số thu của ngành Hải quan luôn chiếm từ 15 đến 17% tổng thu NSNN của quốc gia (sau khi đã trừ hoàn thuế GTGT). Từ năm 2011 - 2020, ngành Hải quan đã thu nộp NSNN số tiền 2.682.843 tỷ đồng, từ năm 2014 đến 2019 liên tục thu đạt và vượt số thu theo dự toán. Nếu như năm 2011 số thu ngân sách của ngành Hải quan đạt trên 217 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2019 số thu này đã đạt đến con số gần 347 nghìn tỷ đồng và chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, toàn ngành thu đạt khoảng 199 nghìn tỷ đồng.

Đây là một quá trình nỗ lực của toàn ngành trong nhiệm vụ đảm bảo nguồn thu ngân sách để góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên là một quá trình hiện đại hóa công tác quản lý nguồn thu, công tác phân loại và tính trị giá hàng hóa mà ngành Hải quan đã nỗ lực triển khai thực hiện.

Nếu như trước đây, khi làm thủ tục cho hàng hóa XNK, doanh nghệp phải tự khai báo về số lượng, chủng loại, tính chất hàng hóa vào tờ khai hải quan, còn các khâu tiếp nhận tờ khai, kiểm tra hàng hóa, tính thuế và thu thuế đều do cơ quan Hải quan thực hiện. Hàng hóa chỉ được thông quan sau khi đã được tính thuế và ra thông báo thuế. Còn hiện tại, quy trình thu thuế của Tổng cục Hải quan đã thay đổi về căn bản. Ngành Hải quan đã triển khai áp dụng cơ chế người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp thuế, cơ quan Hải quan thực hiện các chức năng quản lý thuế thông qua việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế (từ khi thực hiện Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế).

Điển hình phải kể đến như năm 2017, Tổng cục Hải quan đưa vào triển khai, Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 (thu thuế điện tử 24/7) đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Và năm 2019, trên nền tảng nộp thuế điện tử 24/7, Tổng cục Hải quan triển khai chương trình doanh nghiệp nhờ thu và đến nay đã có 44 ngân hàng tham gia phối hợp thu với Tổng cục Hải quan. Trong đó có 30 ngân hàng tham gia nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Thu thuế điện tử 24/7 đã tạo ra bước đột phá trong công tác thu nộp thuế và thu khác, tạo thuận lợi và hỗ trợ người nộp thuế được nộp tiền mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt; tránh sai sót trong quá trình thu nộp thuế và thu khác khi hạch toán đối với DN và cả đối với cơ quan quản lý thu... Hiện hơn 97% số thu ngân sách của ngành Hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Để đảm bảo nguồn thu, Lãnh đạo Tổng cục liên tục chỉ đạo, điều hành xây dựng dự toán và triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, đề xuất các giải pháp khai thác nguồn thu, xây dựng các chương trình hệ thống đáp ứng yêu cầu quản lý tạo thuận lợi cho người nộp thuế, chống gian lận thương mại, trốn thuế, gây thất thu thuế… giúp chỉ đạo toàn ngành liên tục thực hiện thắng lợi chỉ tiêu pháp lệnh và chỉ tiêu phấn đấu về thu thuế trong nhiều năm liền.

Riêng trong công tác quản lý nợ, toàn ngành Hải quan đã thực hiện phân loại từng loại nợ thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý nợ thuế, đưa công tác quản lý nợ thuế của Ngành đi vào nề nếp, góp phần giảm dần tỷ trọng nợ đọng thuế so với tổng thu hàng năm (nếu như năm 2011, tỷ trọng nợ đọng thuế so với tổng thu là 2,25%, thì đến năm 2019 là 1,6%).

Với những nỗ lực không ngừng trong công tác thu nộp NSNN, có thể thấy, ngành Hải quan đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu NSNN, đồng thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi trốn thuế, chống thất thu thuế ngày càng hiệu quả. Số thu nộp ngân sách của ngành Hải quan đã góp phần quan trọng cân đối thu chi trong NSNN, đảm bảo lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Lưu Mạnh Tưởng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)