06:22 14/06/2012

Phở thuần Việt, giá như...

Xa quê hương, hầu như bất cứ ai được ăn bát phở thấm đẫm hương vị Việt Nam ở nơi xứ người cũng đều cảm thấy lòng lâng lâng, da diết...

Xa quê hương, hầu như bất cứ ai được ăn bát phở thấm đẫm hương vị Việt Nam ở nơi xứ người cũng đều cảm thấy lòng lâng lâng, da diết... Xúc cảm không phải chỉ bởi hương vị của món ăn đặc trưng đã thành thương hiệu của Việt Nam mà còn bởi những con Lạc cháu Hồng được gặp nhau, quen nhau và kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng, giá như...

“Phở Việt đó”


Một người bạn của tôi đã lặn lội từ thủ đô Kenbơrơ của Ôxtrâylia (nơi chúng tôi vẫn gọi đó là thành phố) xuống Sydney (nơi chúng tôi ở và gọi đây là nông thôn) để ăn một bát phở. Anh bảo rằng đến Sydney mà chưa ăn được Phở An thì chưa gọi là đến Sydney. Quả vậy, ở Bankstown, người ta xếp hàng để được vào thưởng thức Phở An.

 

Tiệm Phở An ở Sydney, Ôxtrâylia.

 

Ngoài bãi đỗ xe công cộng, quán phở này phải mở thêm chỗ để xe để phục vụ thượng đế. Ấy thế nhưng Phở An vẫn đứng sau Phở Tàu bay ở Cabramatta trong bảng xếp hạng về khẩu vị phở Việt Nam do một trang web ẩm thực bình chọn. Có thể nói, với những bí quyết gia truyền khác nhau, mỗi quán phở Việt Nam ở Ôxtrâylia hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều mang đậm hồn quê Việt và thu hút rất đông thực khách. Đó quả là một niềm tự hào lớn của mỗi người con xứ Việt.


Bước chân vào các quán phở Việt nổi tiếng ở Sydney, những người con xa xứ sẽ phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ lá rau, cọng hành mà chỉ ở Việt Nam mới có thể phối hợp thành mùi vị thơm ngon đến vậy. Bánh phở cũng thấm đẫm hương vị quê nhà đủ để những người Việt Nam nơi đây tự hào mà giới thiệu với thực khách nước ngoài: “Phở Việt đó”. Một bầu không khí Việt, ấm áp và chân tình, luôn bao trùm các quán phở nổi tiếng ở Sydney với những câu chuyện rôm rả bằng tiếng Việt của thực khách, những lời chào mời, hỏi thăm của đội ngũ nhân viên khiến người ta có cảm giác gần gũi như người một nhà, mà hẳn là nhà ở Việt Nam chứ không hề mang chất Úc. Thực khách nước ngoài tại Ôxtrâylia xem các quán Phở Việt là cơ hội để họ thưởng thức món ngon, đồng thời học hỏi được đôi nét về văn hóa ẩm thực, ứng xử của người Việt với nhau. Nhưng...

 

“Tôi sorry nha”


Tôi khá bất ngờ khi gặp gia đình một anh bạn trong quán phở quen thuộc của người Việt sau nhiều năm không liên lạc. Sang Ôxtrâylia làm ăn sinh sống mới hơn chục năm, song khả năng tư duy ngôn ngữ bằng tiếng mẹ đẻ của vợ chồng anh chị giảm đi trông thấy, đến độ có thể coi là có vấn đề. Gặp người Việt, anh chị xã giao 10 câu thì đến 5 câu phải đệm tiếng Anh vì không biết diễn giải ý mình định nói như thế nào. Nhưng thế vẫn còn là tốt, vì các con của anh chị đang học tiểu học thì không thể nói một câu tiếng Việt, chỉ đơn giản “I’m sorry” (xin lỗi) ngay cả khi nói chuyện với bố mẹ mình đều là người Việt.


Tôi khá chạnh lòng khi chứng kiến nhiều trường hợp nhận là người Việt Nam, vào ăn phở Việt nhưng không thể nói tiếng Việt. Dễ thương và ấn tượng nhất là một cậu bé chừng 10 tuổi, phấn khởi chạy ra nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh, bảo rằng cậu biết con trai tôi là người Việt Nam vì cậu cũng là người Việt Nam. Kể chuyện, hỏi han một hồi, đến khi tôi bảo “Mình là người Việt Nam thì cô cháu mình nói chuyện bằng tiếng Việt đi”, cậu lắc đầu rồi chạy ù ra mẹ. Tôi tiếc cho một câu chuyện ngây thơ còn dang dở.


Lớn hơn tí nữa, và đáng báo động hơn tí nữa, là sinh viên. Trong một lần đi làm tin về văn hóa đọc ở Úc, tôi mất công “nhìn mặt mà bắt hình dong” tìm được năm, bảy sinh viên là người Việt Nam tại một hội chợ sách lớn để định phỏng vấn. Phải tìm ngần ấy người trong cả nghìn người vì phải tới người thứ tám thì anh này mới nói được tiếng Việt. Nói được vì anh vừa từ Việt Nam qua Úc để học cao học, mới được gần 1 năm. Còn những người trước không ai đủ tự tin để trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt. Họ không thể nói được tiếng Việt dù bố hoặc mẹ, hoặc cả bố lẫn mẹ đều là người Việt Nam. Tìm ra đồng hương mà lại bất đồng ngôn ngữ.


Cánh nhà báo chúng tôi còn bó tay với một chị bán hàng nhận là người Việt Nam nhưng dứt khoát cứ “chém gió” bằng tiếng Anh. Thậm chí chúng tôi còn thách đố nhau làm sao để chị chỉ nói một tiếng “Ừ” thôi cũng được, mà rồi cũng đành chịu.


Vậy đấy, nói đến Phở người ta biết ngay đến Việt Nam và thích thú khám phá. Nhưng bản thân người Việt Nam chưa hẳn ai cũng biết giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mà ở đây là văn hóa ngôn ngữ. Trong một không gian thấm đẫm chất Việt Nam, những con Lạc cháu Hồng phải nói được tiếng Việt, dù có không lưu loát thì cũng là hay cho những thực khách nước ngoài đến ăn Phở Việt và học tiếng Việt, vì nói chậm họ lại dễ nghe. Biết đâu có ngày nào đó người nước ngoài bước vào quán Phở Việt và nói tiếng Việt, vì họ mê món ăn Việt, thích tiếng Việt, trân trọng nền văn hóa Việt. Điều đó nếu có được cũng là do người Việt chúng ta góp phần mang lại. Vậy hãy để họ thấy...!


Đỗ Vân