02:17 11/02/2019

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm, làm việc với một số cơ quan, đơn vị

Ngày 11/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã thăm, chúc Tết và làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Cán bộ phải có đạo đức trong sáng, trách nhiệm, tự trọng

Đến thăm và làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong năm 2019, hoàn tất toàn bộ thủ tục chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban. Việc bàn giao xong chỉ là bước đầu, mỗi tập đoàn, tổng công ty có sức sống, tập quán riêng, Ủy ban phải dày công nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa hình thành, phát triển, hiểu “tính nết”,  nắm vững thực trạng, “chân tơ, kẽ tóc” của từng đơn vị để có cách ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan phát hiện, tổng hợp các khó khăn, bất cập khi bàn giao, tiếp nhận, nhất là vướng mắc trong phối hợp giữa các bộ quản lý nhà nước – chủ quản của các tập đoàn, tổng công ty, với việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ủy ban. 

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy, tuyển dụng cán bộ, công chức để có đội ngũ cán bộ tinh, gọn, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và có đạo đức trong sáng, trách nhiệm, tự trọng và có khát vọng. Cán bộ của Ủy ban phải tinh hoa, dạn dày kinh nghiệm, am hiểu tình hình trong nước và thế giới. Mỗi cán bộ phải đủ năng lực làm một đề án độc lập về cải cách và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trở thành chuyên viên về quản lý vốn, am tường về kinh tế, kỹ thuật của ngành, về kế toán, tài chính để tham mưu, đề xuất, “độc lập tác chiến”. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung tái cơ cấu toàn diện, đổi mới sắp xếp, nâng cao hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty đã tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ kép: một mặt tạo ra năng lực sản xuất mới; một mặt giải quyết các tồn đọng cũ, các dự án, doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả; cắt giảm năng lực sản xuất dư thừa mà thực chất là đã ở dạng “chết lâm sàng” nhưng chưa xử lý được, để năm 2019 có hiệu quả rõ rệt về hoàn thành các chỉ tiêu đã giao cho các tập đoàn, tổng công ty. 

Phó Thủ tướng cho biết cuối quý I/2019 sẽ công bố sách trắng về thực trạng doanh nghiệp để minh bạch hóa. Tinh thần là hàng năm sẽ công bố sách trắng để công bố thực trạng của các loại hình doanh nghiệp, so hiệu quả sử dụng đồng vốn giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp khác, từ đó nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách. 

 Để đạt được yêu cầu trên, Phó Thủ tướng cho rằng, Ủy ban cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình hành động của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, gắn với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, phải “thuộc bài mới làm tròn vai”. Thực hiện thoái toàn bộ vốn không phải lĩnh vực kinh doanh chính ra khỏi tập đoàn, tổng công ty, ở những lĩnh vực, địa bàn không cần nắm giữ, trừ trường hợp đặc biệt; chấm dứt việc phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Cần tăng cường xây dựng văn hóa trong ngôi nhà chung của Ủy ban, xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, đồng tâm nhất trí, tích cực chủ động phối hợp các cơ quan ở bên trong. 

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, nhận thức trách nhiệm của mình, Ủy ban đã nhanh chóng hình thành bộ khung và kêu gọi các tập đoàn giới thiệu nhân sự để tham mưu chuyên môn sâu. Phương châm hoạt động của Ủy ban trong năm 2019 là “đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm và hiệu quả”, mỗi cán bộ, bên cạnh việc phải có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, phải có tinh thần đoàn kết, gắn bó, tâm huyết để thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao. Ông mong muốn các bộ, ngành ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban, có cơ chế phối hợp mang tính nguyên tắc bởi hiện nay, có nơi có luồng tư tưởng đã giao doanh nghiệp về Ủy ban là hết trách nhiệm, sự phối hợp chưa sát, chưa sâu  sắc. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ sở pháp lý, tránh xung đột pháp luật và xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa bộ, ngành với Ủy ban tốt hơn.

  Cần bám sát trận địa "nông nghiệp, nông dân, nông thôn"

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thăm, làm việc với lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những nỗ lực của Agribank trong 5 năm qua với việc tái cơ cấu thành công giai đoạn I. Phó Thủ tướng cho rằng năm 2018 là năm kết thúc “có hậu” với Agribank, khi các chỉ số về dư nợ tín dụng, lợi nhuận trước thuế đều tốt lên, nợ xấu nội bản giảm so với năm 2017. Là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam, gắn với “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), đến 70% dư nợ tín dụng là dành cho “tam nông” - lĩnh vực chiến lược mà Đảng, Nhà nước quan tâm. “Những kết quả này đã đóng góp vào nhiệm vụ của ngành Ngân hàng nói chung, vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới nói riêng. Hình ảnh Agribank đẹp hơn nhiều trong con mắt người dân”, Phó Thủ tướng nói. 

 Nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu Agribank đảm bảo cung ứng vốn kịp thời, có địa chỉ, chất lượng cao cho nền kinh tế, bám sát lĩnh vực tam nông. Tiếp tục tập trung triển khai tái cơ cấu thành công giai đoạn II hoàn thành trước thời hạn các chỉ tiêu đề ra, tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu; sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức nội bộ bên trong phù hợp với tình hình hiện nay. Theo Phó Thủ tướng, với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ tài chính (fintech), những ưu thế về mạng lưới giảm sẽ bớt đi. Do đó, Ngân hàng phải cơ cấu lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, quản trị, chỉ huy điều hành thuận lợi hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thành tựu cách mạng 4.0, nhưng vẫn phải “bám sát trận địa là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sát tới từng người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, từng hợp tác xã, nông trại, trang trại”. Cùng với đó, tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng cho tam nông, cung ứng đủ vốn cho sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cùng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vĩ mô góp phần đẩy lùi tín dụng đen; đồng thời đặt ra mục tiêu làm sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – VAMC”. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong năm 2019, Agribank có định hướng và giải pháp sớm ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0 trong lĩnh vực hoạt động về tín dụng, nhất là phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ có giá trị gia tăng cao nhưng phi tín dụng; xây dựng ngân hàng số, tái cơ cấu đội ngũ mạnh mẽ hơn nữa nâng cao hơn nữa thu nhập của người lao động. 

Một trong những trọng điểm của Agribank trong năm 2019 là đẩy nhanh tiến độ, các bước chuẩn bị để chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng thương mại cổ phần, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm 2019 hoặc chậm nhất là đầu năm 2020. Hiện Agribank là ngân hàng duy nhất 100% vốn nhà nước, Phó Thủ tướng nói. 

 Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phối hợp với Agribank giải quyết các tồn đọng về mặt pháp lý, tài chính, xây dựng phương án sử dụng đất, làm tốt công tác thẩm định, đánh giá giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa… Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo, hỗ trợ Agribank triển khai các bước cổ phần hóa đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và tối đa hóa lợi ích của nhà nước. 

 Ông Trịnh Ngọc Khánh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, từ một ngân hàng có tổng tài sản 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn 1.056 tỷ đồng, tổng dư nợ 1.126 tỷ đồng, nợ xấu trên 10%, đến nay, Agribank đã có tổng tài sản 1,3 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 14,6%), tỷ lệ nợ xấu theo phương án cơ cấu lại là 2,98%. Tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng, đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC. Lợi nhuận của Agribank năm 2018 đạt 7.525 tỷ đồng.  

VNPT phải trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thăm, làm việc với VNPT. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá: Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, VNPT đã thành công với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Tổng doanh thu của Tập đoàn đạt gần 155.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 28 triệu đồng/tháng. VNPT sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu của giai đoạn 2 và chuẩn bị cổ phần hóa và tiên phong trong việc xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực trọng yếu của đất nước.

“Cụ thể, trong năm 2019, VNPT muốn bứt phá phải quan tâm yếu tố khoa học công nghệ. Trước đây, VNPT là đơn vị đi đầu trong dịch vụ viễn thông. Đồng thời, trong năm 2019, VNPT cần tiếp tục nâng cao và khẳng định vai trò và vị trí dẫn dắt trong lĩnh vực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số tại Việt Nam nhằm mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm giao dịch số tại Châu Á vào năm 2030”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng mang tính đột phá và phá hủy nhiều mô hình cũ, kinh nghiệm cũ. Cách mạng 4.0 không phải là đường kéo dài của quá khứ và chúng ta có cơ hội để phát triển đột phá với cuộc cách mạng này. Cách mạng 4.0 sẽ tạo ra mô hình kinh doanh mới, phát triển mới để đưa đất nước phát triển. Vì vậy, VNPT phải đi đầu trong việc tạo ra hệ sinh thái cho chuyển đổi số tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng yêu cầu VNPT phải đi đầu trong công nghệ 5G trong năm 2019. VNPT phải giúp Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng chính sách chuyển đổi số, chính phủ điện tử, đào tạo nhân lực công nghệ cao, chủ quyền số, sở hữu trí tuệ… và chia sẻ với các ngành, các doanh nghiệp lớn để giúp họ chuyển đối số.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tặng quà nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết: Từ năm 2014, VNPT đã thực hiện tái cơ cấu theo quyết định của Chính phủ. Năm 2018, Tập đoàn tiếp tục triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, áp dụng, cải tiến các cơ chế quản trị, chính thức tổ chức triển khai Chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn 2030 (Chiến lược VNPT4.0) với mục tiêu trở thành Nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và Trung tâm giao dịch số tại Đông Nam Á và Châu Á, được cụ thể hóa thông qua 10 chương trình, 34 dự án chiến lược.

Các mục tiêu kế hoạch được giao tới các đơn vị thành viên và được quản trị thông qua hệ thống quản trị chiến lược BSC/KPI nhằm tối đa hóa sức mạnh tổng hợp của hơn 70 đơn vị thành viên trong Tập đoàn.

Năm 2018, mặc dù tình hình kinh doanh có nhiều khó khăn, chính sách quản lý có nhiều thay đổi, cạnh tranh quyết liệt, tuy nhiên nhờ liên tục cải tiến, hoàn thiện cơ chế quản trị, Tập đoàn vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan. Cụ thể, lợi nhuận đạt 6.445 tỷ đồng, đạt 109,4% kế hoạch, tăng 25% so với thực hiện năm 2017, tính trung bình 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận của Tập đoàn đạt 25,3%. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 4.476 tỷ đồng, đạt 117,5% kế hoạch, tăng 18% so với thực hiện năm 2017.

Chu Thanh Vân - Xuân Cường