01:21 13/01/2018

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xử lý nghiêm tiêu cực để phát triển bóng đá Việt Nam

Chiều 13/1, tại Hà Nội, cuộc đối thoại “Phát triển bóng đá Việt Nam” tập trung giải đáp các vấn đề còn tồn tại của bóng đá Việt Nam. Tại buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề xử lý tiêu cực và những điểm nóng khác như bóng đá trẻ, các đội tuyển, công tác trọng tài, kỷ luật…

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo quyết liệt tại buổi Tọa đàm.

Buổi đối thoại được điều hành bởi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải. Tham dự buổi đối thoại còn có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo, lãnh đạo cao nhất của Tổng cục TDTT, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF)

Đây là lần đầu tiên Chính phủ nêu yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm trả lời cụ thể việc làm thế nào để bóng đá Việt Nam phát triển xứng tầm, đáp ứng mong đợi của người hâm mộ.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh nội dung buổi đối thoại sẽ góp phần vào sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước khi cuộc tọa đàm diễn ra, Văn phòng Chính phủ cũng trực tiếp nhận được 29 câu hỏi, ý kiến đóng góp của các chuyên gia và người hâm mộ liên quan đến những vấn đề của bóng đá nước nhà, với những chất vấn cụ thể.

Từ phía Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ông nhận được 28 câu hỏi đề cập tới 7 nhóm vấn đề cụ thể như vấn đề phát triển bóng đá trẻ, cơ cấu tổ chức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam...

Ngay sau lời phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo buổi đối thoại. Phó thủ tướng trực tiếp đọc từng câu hỏi đã được Văn phòng Chính phủ tổng hợp lại (chia thành 5 nhóm vấn đề gồm chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; bóng đá phong trào; bóng đá trẻ; hệ thống thi đấu quốc gia và đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam).

"Hội nghị Diên Hồng" của bóng đá Việt Nam được sự quan tâm của đông đảo các cơ quan truyền thông trong nước.

Ngay từ câu hỏi đầu tiên, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời câu hỏi liên quan đến chiến lược của bóng đá Việt Nam: “Có mục tiêu nào của chiến lược quá cao không?”. Ông Thiện phát biểu: “Các mục tiêu là phù hợp, không nhất thiết phải điều chỉnh. Tuy nhiên, có mục tiêu chưa đạt được như mong muốn. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về vấn đề này”.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng thừa nhận chưa giám sát một cách quyết liệt công tác thực hiện mục tiêu phát triển bóng đá.

Phó Thủ tướng đặt câu hỏi ngành Thể thao đã đốc thúc việc thực hiện chiến lược như thế nào, việc kiểm tra, giám sát và tiến hành kiểm điểm như thế nào?

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng được phân công trả lời: “Trong chiến lược đã phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị khi triển khai chiến lược. Chúng tôi vẫn tiến hành kiểm điểm hàng năm nên bóng đá Việt Nam thời gian qua cũng đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, chúng tôi thừa nhận chưa giám sát một cách quyết liệt, chưa có kiểm điểm kỹ càng từng nội dung”.

Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều tiêu cực.

Trước yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc giải thích nguyên nhân khiến khán giả ít đến sân, Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn thừa nhận: “Một trong những nguyên nhân chính CĐV không đến sân vì bóng đá chưa sạch”.

Một vấn đề nữa cũng nhận được sự quan tâm của những người yêu bóng đá Việt Nam là mục tiêu vô địch SEA Games. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định: “VFF và Tổng cục đã tập trung đào tạo trẻ nhiều hơn. Những năm gần đây, các đội trẻ do VFF chịu trách nhiệm toàn bộ.

Hiện Bộ VHTTDL đầu tư kinh phí cho các đội trẻ, thuê các chuyên gia, HLV có kinh nghiệm cho đào tạo trẻ, tạo điều kiện cho các đội trẻ được tập huấn và thi đấu nước ngoài, từng bước hoàn thiện hệ thống bóng đá trẻ từ U11 tới U21, qua đó từng bước đạt kết quả, nâng cao thành tích. Trong khi, VFF cũng hết sức quan tâm, đầu tư cho U22 ở SEA Games vừa rồi. Chúng ta cũng đang tập trung cao độ cho SEA Games kế tiếp”.

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, chuyên gia giàu kinh nghiệm về thể thao và bóng đá Việt Nam đóng góp ý kiến.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu hai Bộ trưởng Giáo dục và Đào Tạo, Bộ VHTTDL cần tăng cường phối hợp để đánh giá bóng đá học đường, phát triển giáo dục theo hướng Đức - Thể - Mỹ.

Về giải vô địch bóng đá quốc gia V-League, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần có những hình phạt nghiêm khắc đối với các CLB làm theo kiểu đối phó: "Không thể phạt và cho tồn tại, phạt là phạt tới nơi, phạt để bóng đá tốt hơn”.

Phó thủ tướng cũng kiên quyết khi đề nghị VFF trả lời thẳng vào câu hỏi: "V-League ít khán giả vì chưa sạch, còn tiêu cực, có đúng không?". Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn bối rối rồi trả lời: "Vẫn còn tiêu cực".

Cựu Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Mai Liêm Trực thêm một lần khẳng định ghế VFF không phải chỗ tiến thân, người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải là người đam mê, người hết mình với bóng đá.

Theo Phó Thủ tướng, phát triển một nền bóng đá đẹp, trung thực không thể làm được ngay một lúc mà cần có lộ trình, cơ bản theo quy luật phát triển của thế giới, từ bóng đá phong trào, bóng đá trẻ rồi đến giải đấu chuyên nghiệp, cấp độ đội tuyển. Công tác đào tạo cầu thủ không chỉ về kỹ chiến thuật mà cả đạo đức, văn hoá, đến chế độ dinh dưỡng...

Mặc dù chưa thể ngay lập tức trở thành “một cuộc cách mạng” giải quyết được toàn bộ những vấn đề tồn tại, bất cập của bóng đá Việt Nam nhưng sự quan tâm, định hướng của Chính phủ cùng với sự quan tâm của người hâm mộ sẽ là sự mở đường cho cách giải quyết hiệu quả điều mà những người làm bóng đá tưởng chỉ là chuyện của riêng mình.

Trong gần 5 tiếng, đại diện Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, VFF trả lời hơn 30 câu hỏi về nhiều vấn đề. Những vấn đề về Đại hội VFF, thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29, cơ cấu tổ chức VFF, vai trò Hội đồng HLV, giám đốc kỹ thuật VFF... cũng đã được đưa ra "mổ xẻ", tuy nhiên thời gian có hạn nên những câu trả lời chưa được nhiều người thoả mãn.

Trước đó tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào ngày 19/12, không hài lòng với báo cáo của Bộ VHTTDL, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: Vì sao khán giả không đến sân? Tại sao đội vô địch V-League không đủ điều kiện tham dự AFC Champions League? Sao bóng đá Việt Nam phát triển theo hình tháp ngược? Bạo lực sân cỏ tại sao vẫn tiếp diễn? Trọng tài Việt Nam ra nước ngoài bắt tốt nhưng sao trong nước lại như vậy? Có tình trạng nhiều CLB thuộc sở hữu trực tiếp, gián tiếp của một người không” Có nhường điểm, cho điểm, “vỗ vai” nhau không? Đá có thật không? Liệu chúng ta có dám khẳng định chúng ta đã chuyên nghiệp chưa? Và Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Có cần một khoảng lặng? Và yêu cầu “Đừng vuốt ve, chiều chuộng nhau nữa”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, chỉ sau 3 tuần chuẩn bị, Bộ VHTT&DL, Tổng cục TDTT, VFF đã phối hợp tổ chức buổi đối thoại về "Phát triển bóng đá Việt Nam".


Lê Sơn/Báo Tin tức