08:15 02/08/2018

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành Giáo dục phải đổi mới căn bản, toàn diện bởi có rất nhiều bất cập

Tham dự và phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của ngành giáo dục ngày 2/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ ra những mặt làm được và cả hạn chế của ngành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2018 là mốc thời gian đặc biệt quan trọng vì đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Tới đây, Đảng và Chính phủ giao cho Ban Tuyên giáo, Bộ GD-ĐT phối hợp đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết xem đã làm được gì, điểm gì được, điểm gì chưa được, thời gian tiếp theo cần tập trung vấn đề gì?

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và chủ trì hội nghị.

Theo Phó Thủ tướng, đã có rất nhiều đổi mới trong ngành Giáo dục đạt những kết quả triển vọng, một số mặt có những chuyển biến rõ rệt. Có thể đánh giá chung, hướng đi chúng ta đã chọn đúng. Có những khâu, lĩnh vực, lộ trình đảm bảo, nhưng cũng có những khâu, lĩnh vực lộ trình bị chậm...

Phó Thủ tướng chỉ rõ, giáo dục là lĩnh vực không chỉ Đảng, Nhà nước, mà toàn dân quan tâm, đó là điều rất đáng mừng. Như vậy sẽ có rất nhiều người đóng góp, góp ý cho ngành Giáo dục. Giáo dục dựa vào đặc điểm này, trong quá trình ban hành chủ trương, chính sách dù là nhỏ nhất nhưng tác động đến toàn dân. Vì thế phải rất chú trọng việc mở các diễn đàn để mọi người góp ý. Trong quá trình góp ý, sẽ có nhiều luồng ý kiến khác nhau, cái nào chúng ta chọn sẽ có lý giải để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới giáo dục không thể làm trong ngày một, ngày hai, mà phải đặt trong bối cảnh thực tế. Mỗi năm đổi mới từng bước và cần phải kiên trì thực hiện. Thi cử là một ví dụ để chúng ta nhìn lại tất cả các mặt trong đổi mới giáo dục. Ngành Giáo dục phải đổi mới căn bản và toàn diện bởi có rất nhiều thứ bất cập. Vì bối cảnh thay đổi và yêu cầu phát triển đất nước, Giáo dục là quốc sách hàng đầu, không đổi mới thì đất nước không đi lên.

Các bất cập đến từ hệ thống, dạy chủ yếu truyền thụ một chiều, nhồi nhét, ít thực hành, không sáng tạo, vấn đề dạy đạo đức làm người chưa được coi trọng đúng mức, đội ngũ quản lý của Bộ, ngành cũng như đội ngũ cán bộ giáo viên còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất còn thiếu.

Tại hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ GD-ĐT này, câu chuyện tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia được nhiều đại biểu bàn thảo. Nhiều địa phương cũng bày tỏ lo lắng trước việc phải tinh giản biên chế giáo viên, chất lượng chuyên môn và đạo đức đội ngũ giáo viên, quy hoạch trường lớp học, thiếu giáo viên mầm non…

Tổng kết hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam không nhắc nhiều về câu chuyện gian lận điểm thi. Ông cho rằng đổi mới trong giáo dục là quá trình, từ việc nhỏ như tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cũng có lộ trình trình bắt đầu làm từ 2015  và đến năm  2021 thì mới xong. Mỗi quyết sách giáo dục được đề ra có liên quan đến từng gia đình, cá nhân. Vì thế, điều gì đã vạch ra thì ta phải kiên trì thực hiện. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch thì mới tạo được sự đồng thuận. Đây là kinh nghiệm vô cùng quý cần phải nhớ, phải làm. Có đồng thuận mới được ủng hộ thực hiện, nhưng quan trọng hơn là vai trò của sự đồng thuận.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ nêu những giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề “nóng” mà các đại biểu đưa ra tại hội nghị. Phó Thủ tướng cũng mong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất, vệ sinh lớp học, bạo lực học đường.
 

L.Sơn/Báo Tin tức