03:19 29/03/2019

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại Thừa Thiên - Huế

Ngày 29/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đã đến làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” và thăm hỏi các hộ di dân thuộc dự án “Đầu tư, bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế”.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mai Trang/TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Là tỉnh có địa bàn phức tạp, nhưng Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã cùng nhau xây dựng, giữ vững hệ thống chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội; lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, cải thiện cơ sở, hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi phát triển văn hóa, đồng thời quan tâm đến công tác tu bổ, cải tạo các công trình di tích, bảo tồn di sản.

Phó Thủ tướng cho rằng văn hóa là cốt yếu, không có văn hóa thì khó có thể phát triển được du lịch, giáo dục… Tuy nhiên, làm văn hóa là một quá trình lâu dài, qua nhiều thời kỳ và đặc biệt khó khăn ở một nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Thừa Thiên - Huế là địa phương phát triển hợp tác quốc tế từ sớm và bài bản, nhưng cần tiếp thu có chọn lọc để nét văn hóa đặc sắc của tỉnh được gìn giữ, phát huy hiệu quả.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược văn hóa đối ngoại; mở rộng hoạt động giao lưu đối ngoại và hợp tác quốc về văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá danh hiệu “thành phố Văn hóa ASEAN”, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỉnh từng bước mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa; khai thác hiệu quả các sản phẩm văn hóa vào phát triển du lịch...

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, các cấp ủy Đảng, cơ quan, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhận thức về xây dựng và phát triển văn hóa được nâng cao, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương trùng tu, bảo tồn, phát huy di sản bài bản nhất tại Việt Nam. Những năm qua, UNESCO đã nhiều lần đề nghị xây dựng thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) trở thành trung tâm chuẩn mực về trùng tu di sản văn hóa thế giới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương...

Để phát triển thành phố du lịch, chính quyền các cấp và người dân Thừa Thiên - Huế đã cùng nhau đẩy lùi hủ tục lạc hậu như thách cưới, cưỡng ép hôn nhân... Ngoài ra, tập tục lăn đường, khóc mướn, trừ ma hầu… trong đám tang được xóa bỏ ngay tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong lĩnh vực giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hầu hết đảm bảo cho học sinh có thể học tập 2 buổi/ngày. Văn hóa đọc trong học đường được chú trọng, một số trường học có không gian mở, thư viện tiên tiến. Đến nay, tất cả các trường học, cơ sở giáo dục của tỉnh được kết nối sử dụng Internet; 100% cán bộ quản lý, giáo viên biết sử dụng công nghệ thông tin.

Dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm hỏi, lắng nghe nguyện vọng của các hộ dân khu vực Thượng thành thuộc dự án “Đầu tư, bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế”.

Mai Trang (TTXVN)