09:15 24/09/2019

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kích thích giáo viên bớt sức ỳ, đổi mới việc dạy và học

Sáng 24/9, tại thành phố Cao Lãnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về tình hình kinh tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong 9 tháng năm 2019.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương báo cáo về tình hình của tỉnh. Theo đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của Đồng Tháp tiếp tục tăng trưởng khá.

Ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 đạt 6,45%; tổng giá trị GRDP đạt hơn 55 nghìn tỷ đồng, tăng 6.876 tỷ đồng so với năm 2018. GRDP bình quân trên người ước đạt 50,19 triệu đồng; tỷ lệ huy động vốn đầu tư phát triển so với GRDP ước đạt 21,56%. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ba năm (2016-2018) ước đạt 6,42%/năm (tương đương mức tăng trưởng chung của cả nước).

Tỉnh Đồng Tháp chú trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn trên nền tảng khoa học và công nghệ, nhất là năm ngành hàng chủ lực gồm lúa, xoài, cá tra, hoa kiểng, vịt.

Giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh đã triển khai 27 nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tổng kinh phí được phê duyệt trên 53 tỷ đồng, trong đó có 13 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, với kinh phí là 19,23 tỷ đồng (chiếm 36,28%).

Ngoài ra, “Hội quán nông dân” đã trở thành điểm sáng của tỉnh trong việc hợp lực, liên kết nông dân, nơi kết nối tri thức, chia sẻ thông tin... giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân, thông qua mạng internet. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương phát triển, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể.

Đồng Tháp cũng đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên nền tảng khoa học - công nghệ, tập trung triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ…

Đồng thời, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực để phát triển giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường, lớp học, trang thiết bị dạy học ở các bậc học, cấp học. Hàng năm, ngân sách tỉnh chi sự nghiệp giáo dục trên 3.200 tỷ đồng. Đến nay, có 40% số trường ở các cấp học đạt chuẩn quốc gia; 93% giáo viên và cán bộ quản lý đạt chuẩn về công nghệ thông tin…

Chủ tịch Nguyễn Văn Dương cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng hiện nay Đồng Tháp còn nằm trong vùng trũng về giáo dục. Tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương xây dựng Đề án tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị riêng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Riêng đối với Đồng Tháp, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ từ vốn trái phiếu Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia… khoảng 1.400 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025 nhằm xây dựng 1.770 phòng học.

Tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Đồng Tháp đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh thực hiện các dự án phát triển tài sản trí tuệ cho các nông sản đặc thù của địa phương theo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam quan tâm đến hai lĩnh vực là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đây là những thành tố mang tính nền tảng, mũi nhọn, quyết định tương lai lâu dài.

Nói về giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng cho rằng “nhất định phải tập trung đổi mới và đổi mới thật nhanh”. Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh Đồng Tháp là địa phương đi đầu trong đổi mới phương pháp quản lý giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở giáo dục, đổi mới phương pháp quản lý trong từng cơ sở. Việc đổi mới không chỉ dừng lại ở vấn đề đổi mới hành chính, chính quyền mà cần đổi mới việc dạy và học.

Phó Thủ tướng bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng một bộ phận giáo viên ngại đổi mới, có sức ỳ cho nên việc linh động hóa, thay đổi trong cách dạy của giáo viên phải thực hiện thường xuyên và ngay từ bây giờ. Để làm được điều này, địa phương cần bồi dưỡng, tập huấn lại giáo viên, kích thích giáo viên bớt sức ỳ, tuyệt đối tránh đợi sách giáo khoa mới mới thực hiện việc đổi mới.

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh cần đi vào thực tiễn, gắn chặt với tình hình địa phương và có hiệu quả nhất; công nghệ 4.0 phải đi vào ngõ ngách, ứng dụng cụ thể ở từng mảng, từng ngành, từng việc làm.

Qua chuyến công tác tại Đồng Tháp, Phó Thủ tướng thấy rằng cái hay của địa phương là tiên phong trong việc hình thành các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ. Tỉnh cần nghĩ đến cơ chế kinh tế - một yếu tố đặc biệt quan trọng để thực hiện việc nhân rộng mô hình, từ đó tạo ra sức hấp dẫn để huy động các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khoa học - công nghệ.

Trước đó, chiều 23/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến thăm mô hình “Hội quán nông dân” tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh. Hội quán là tổ chức do những người nông dân cùng nhóm ngành nghề tự nguyện đến với nhau, định kỳ sinh hoạt mỗi tháng một lần để bàn chuyện xóm, làng, hợp tác, phát triển sản xuất, cùng nhau tìm hiểu thông tin về các vấn đề liên quan đến sản xuất.

Phó Thủ tướng đánh giá cao mô hình Hội quán của Đồng Tháp và đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần liên kết, hợp tác, lan toả trong cộng đồng, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đối ngoại lẫn đối nội. Đây là mô hình rất phù hợp với xu thế, cần được tiếp tục phát huy hiệu quả, đúng thực chất trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đến thăm Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Collagen và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung Đồng Tháp để tìm hiểu tinh thần tiên phong, tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất các ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Tin, ảnh: Chương Đài (TTXVN)