12:19 11/12/2018

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành đối thoại với sinh viên

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, chiều 11/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã có phiên đối thoại với các đại biểu của Đại hội.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại với các đại biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Có ý thức từ những việc làm nhỏ

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tình cảm đặc biệt dành cho Đại hội, đánh giá cao suy nghĩ của sinh viên khi quan tâm tới các vấn đề lớn của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, để đất nước phát triển nhanh, sánh vai cùng các nước tiên tiến, người dân có cuộc sống thanh bình, độc lập, tự do, hạnh phúc, chúng ta cũng có những khát vọng lớn, gần đây là các vấn đề khởi nghiệp, các phong trào xã hội mang lại những điều tốt đẹp. Tất cả những khát vọng lớn lao đó cần thể hiện bằng việc làm, suy nghĩ cụ thể. Vì tất cả mọi công trình to lớn đều được xây dựng bằng những viên gạch rất nhỏ. Điều quan trọng nhất ở bản thân mỗi người là có ý thức từ những việc làm nhỏ như không vượt đèn đỏ, không tranh đi thang máy, không xả rác bừa bãi… Nếu những giá trị ấy được lan tỏa, các vấn đề lớn hơn sẽ được giải quyết.

Tại phiên đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải đáp nhiều băn khoăn của các đại biểu sinh viên liên quan đến một số nội dung như: Triết lý giáo dục của Việt Nam, xây dựng quỹ học bổng dành cho sinh viên, vấn đề học và sử dụng ngoại ngữ…

Giải đáp câu hỏi về việc nhiều sinh viên ưu tú chưa được sự hỗ trợ từ Nhà nước, phải tự chi trả học phí bằng việc đi làm thêm hoặc nhờ bố mẹ chu cấp; trong khi đó, họ được nước ngoài chi trả học bổng toàn phần để đi du học, điều này dẫn đến việc “chảy máu” chất xám, Phó Thủ tướng cho biết: Đất nước ta còn nghèo, hiện nay Nhà nước hỗ trợ nhiều đối tượng, người có công, người yếu thế, với số tiền ngân sách rất lớn, nên chế độ hỗ trợ sinh viên chưa toàn diện, bền vững. Chính phủ sẽ xem xét lại các chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên, đồng thời phát huy tính tự chủ của các trường. Nếu các trường khi thực hiện tự chủ có chính sách học bổng tốt, sẽ thu hút được sinh viên giỏi đến học, uy tín của nhà trường sẽ tăng lên. Bản thân sinh viên cũng cần cố gắng nỗ lực hơn nữa, phát triển bản thân và đưa đất nước thoát nghèo.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, với các sinh viên nhận học bổng đi học nước ngoài, vẫn có thể về nước cống hiến hoặc khi ở lại nước ngoài làm việc cũng có thể cống hiến bằng nhiều cách. 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại với các đại biểu. Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN

Liên quan đến câu hỏi, Việt Nam có nên công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai hay không, Phó Thủ tướng cho rằng: Với sinh viên, ngoài học chuyên ngành, cần học thêm ngoại ngữ để có cơ hội tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau, thuận lợi trong giao lưu, hợp tác, nhưng không nhất thiết phải là tiếng Anh, mỗi người tùy điều kiện và đam mê có thể lựa chọn một ngoại ngữ. Hiện Hiến pháp của Việt Nam quy định ngôn ngữ chính thức của Việt Nam là tiếng Việt, không quy định về ngôn ngữ thứ hai, tiếng Anh là ngoại ngữ.

Về triết lý giáo dục, theo Phó Thủ tướng, triết lý là cụm từ vẫn còn gây nhiều tranh luận trái chiều. Trong giáo dục, triết lý giáo dục của nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật cũng không thể gói gọn trong vài từ. Có quan điểm hướng đến xây dựng xã hội, con người toàn diện; có ý kiến tiếp cận nội dung, phương pháp, môi trường của đào tạo; có những người gắn kết triết lý giáo dục với khoa học phát triển. Vì vậy, đây là cuộc tranh luận dài, cần chiều sâu và chưa có hồi kết.

Giải đáp nhiều vấn đề “nóng” của sinh viên

Các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi dành cho lãnh đạo các bộ, ngành về một số nội dung như: Chính sách học phí và hỗ trợ vay vốn dành cho sinh viên; sinh viên thiếu kỹ năng thực hành và kiến thức thực tế; các đề tài nghiên cứu khoa học chưa được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn; thiếu không gian vui chơi văn hóa lành mạnh cho sinh viên…

Liên quan đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Nguyên nhân chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt như mong muốn là do đào tạo chưa sát, khâu đào tạo ít quan tâm đến nhu cầu của xã hội, mà chỉ quan tâm mình có năng lực gì thì đào tạo cái đó. Khâu dự báo nhu cầu của thị trường trung và dài hạn, yêu cầu về kiến thức kỹ năng, quy trình xây dựng cũng rất quan trọng.

Giải pháp là cần sự kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có chính sách đổi mới các chương trình đào tạo. Một điểm cần lưu ý, không phải đào tạo đại học ra là làm việc được ngay, kiến thức ở trong trường là nền tảng căn bản, khi ra ngoài xã hội, doanh nghiệp có văn hóa, công nghệ, sinh viên phải dành thời gian để làm quen cũng như cần được doanh nghiệp đào tạo thêm.

Về nghiên cứu khoa học, các trường đại học đang có nhiều hoạt động đột phá trong lĩnh vực này. Thủ tướng cũng đã có quyết định hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, trong đó có nhiều nội dung khuyến khích. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, sinh viên phải là lực lượng nghiên cứu chứ không phải tập sự nghiên cứu, đồng thời đánh giá cao nghiên cứu của sinh viên vì nhiều ý tưởng sáng tạo đã trở thành hiện thực.

Liên quan đến việc tạo không gian vui chơi lành mạnh cho sinh viên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, đây là vấn đề được xã hội quan tâm. Trước kia số lượng sinh viên ít, các trường khi xây dựng đều bố trí ký túc xá, song gần đây lượng sinh viên tăng mạnh. Do đó, số lượng ký túc xá rất thiếu khiến sinh viên phải ra ngoài ở trọ và Bộ đang nghiên cứu về nội dung này.

Theo đó, mỗi trường khi xây dựng mới bắt buộc phải có thiết chế văn hóa phù hợp với quy mô của trường. Trung ương Đoàn và Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cũng đã ký chương trình nâng cao đời sống cho sinh viên, học sinh, phối hợp cùng chính quyền địa phương bàn về việc xây dựng thiết chế văn hóa tại cơ sở.

Về chính sách học phí và tín dụng cho sinh viên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết: Từ năm 2007, Chính phủ đã có chủ trương dùng ngân sách để hỗ trợ lãi suất cho vay. Đánh giá sơ bộ của Bộ Tài chính, đến nay 3,5 triệu sinh viên được vay 61.000 tỉ đồng và việc cho vay này phát huy hiệu quả tốt.

Mức cho vay căn cứ 4 yếu tố: Nguồn lực xã hội hóa từ gia đình, xã hội; mặt bằng chung và mức sống tối thiểu của sinh viên; khả năng cân đối của ngân sách; tinh thần tiết kiệm của sinh viên. Bộ Tài chính mong muốn, các bạn tiết kiệm trước hết là vì chính gia đình mình, vì vay lãi suất thấp thì cuối cùng cũng phải trả nợ. Bộ Tài chính đang nghiên cứu, lấy ý kiến của các bộ, ngành để áp dụng chính sách nâng mức cho vay đối với sinh viên tối thiểu lên 2,5 triệu đồng/tháng.

Việt Hà (TTXVN)