10:18 12/10/2018

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ 17

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Armenia, ngày 12/10, trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Cấp cao (HNCC) lần thứ 17 của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đang diễn ra tại thủ đô Yerevan, các đại biểu đã thảo luận về báo cáo của Tổng thư ký OIF và về các chủ đề của hội nghị.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: TTXVN phát

Tại phiên toàn thể, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ chủ đề của hội nghị là “Cùng chung sống trong đoàn kết, cùng chia sẻ các giá trị nhân văn và tôn trọng đa dạng: cội nguồn của hòa bình và thịnh vượng trong không gian Pháp ngữ”. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ thế giới nói chung và không gian Pháp ngữ nói riêng đang đứng trước nhiều thách thách toàn cầu, khu vực, liên khu vực mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết. Do đó, vai trò của các thể chế đa phương như OIF là hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng đề nghị cộng đồng Pháp ngữ thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu và có cách tiếp cận tổng thể trên tất cả các vấn đề nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết hiệu quả nguồn gốc sâu xa của khủng hoảng và bất ổn như bất bình đẳng, nghèo đói, kém phát triển, tiếp tục củng cố các cơ chế hiện có về phòng ngừa xung đột và giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chia sẻ về tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh đây một bộ phận quan trọng của không gian Pháp ngữ, nơi cũng đang phải xử lý nhiều thách thức xuất phát từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, xung đột sắc tộc, khủng bố, tội phạm mạng, các điểm nóng khu vực, biến đổi khí hậu...

Phó Thủ tướng tuyên bố Việt Nam đánh giá cao các nỗ lực của OIF trong việc tham gia tìm giải pháp cho các bất ổn chính trị và xung đột tại các nước thành viên, nhất là ở khu vực châu Phi. Do đó cộng đồng quốc tế cần tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, tăng cường và mở rộng đoàn kết, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ…đưa hợp tác Pháp ngữ đi vào chiều sâu và có cách tiếp cận tổng thể trong tất cả các vấn đề. 

Với đường lối đối ngoại coi trọng hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung vì hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới nói chung, trong không gian Pháp ngữ nói riêng. Ở cấp độ liên khu vực, Việt Nam có thể tự hào đã góp phần làm cầu nối giúp tăng cường sự hiện diện ngày càng tích cực hơn của Cộng đồng Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng như thúc đấy hợp tác giữa Pháp ngữ với các nước khác trong khu vực. 

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam luôn tích cực cùng với các bên liên quan tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Việt Nam mong muốn Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục có tiếng nói khách quan và ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, các nước liên quan cùng chung sống và phát triển. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Việt Nam đã quyết định ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó khẳng định cam kết mạnh mẽ cũng như mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã được nhóm châu Á tại Liên hợp quốc nhất trí đề cử là ứng cử viên duy nhất của nhóm và Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên Pháp ngữ, đồng thời cam kết hợp tác, phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ và các nước thành viên nếu được bầu.

Với sợi dây gắn kết là tiếng Pháp và nền tảng là tinh thần đoàn kết, cùng chia sẻ các giá trị nhân văn và tôn trọng đa dạng, Cộng đồng Pháp ngữ đã có những bước phát triển đáng tự hào, trong đó với vai trò và vị thế của mình trong Pháp ngữ và trên trường quốc tế, Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác với các nước thành viên, cùng nỗ lực phát huy bản sắc và các giá trị chung của Cộng đồng Pháp ngữ vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Việt Nam kêu gọi Tổ chức quốc tế Pháp ngữ xây dựng và triển khai các chiến lược nhằm hỗ trợ các nước thành viên thực hiện cam kết này.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Thủ tướng Armenia Nikol Parshynian. Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN

* Cùng ngày, bên lề HNCC 17 của OIF, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước tham dự hội nghị. Trong dịp này, lãnh đạo các nước đã chia buồn sâu sắc với Việt Nam trước việc nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. 

Trong tiếp xúc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước tiến tốt đẹp trong quan hệ song phương thời gian vừa qua và nhất trí sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp cao nhằm thúc đẩy tin cậy chính trị trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược, trước mắt là chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Pháp Edouard Phillipe. Hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp hiệu quả trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc và Khối Pháp ngữ.

Hội kiến với Tổng thống Armenia, Armen Sarkissian, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn Armenia đã dành sự đón tiếp trọng thị và thân tình cho đoàn Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 17, chúc mừng Armenia tổ chức thành công Hội nghị, qua đó nâng cao vai trò và uy tín quốc tế của Armenia.

Tổng thống Armen Sarkissian chia sẻ tình cảm đặc biệt đối với đất nước và con người Việt Nam, nhất là đã từng có các sinh viên Việt Nam cần cù, thông minh khi giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Moskva và Đại học Tổng hợp Yerevan. Tổng thống cho biết luôn quan tâm theo dõi quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam, chúc mừng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế xã hội. Hai bên khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ về chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học, trao đổi văn hoá, du lịch và giao lưu nhân dân.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Armenia Nikol Parshynian, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao công tác tổ chức của Armenia và thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 17. Hai bên cho rằng Việt Nam và Armenia có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, trên nền tảng đó cần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại cho tương xứng với quan hệ chính trị, hai nước có nhiều thế mạnh có thể thể bổ trợ cho nhau: Việt Nam có thể xuất khẩu thuỷ sản, nông sản, hàng điện tử và dệt may vào Armenia, nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên liêụ từ Armenia. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Thủ tướng Nikol Parshynian bày tỏ mong muốn được tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang học tập tại Armenia.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Madagascar, Eloi Alphone Maxime Dovo, hai bên khẳng định quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Madagascar được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối yêu nước của Madagascar xây dựng, được nhiều thế hệ nhân dân hai nước vun đắp, ngày càng được củng cố và phát triển.

Bộ trưởng Eloi Alphone Maxime Dovo khẳng định Việt Nam là tấm gương sáng cho Madagascar trong đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như trong xây dựng đất nước ngày nay, hai nước hợp tác kinh tế hiệu quả về nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Madagasscar tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Madagascar sinh sống, làm việc, hội nhập và đóng góp cho xã hội sở tại. 

Trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hoà Guinea Mamadi Toure, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn Guinea đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Hai bên cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương thông qua trao đổi đoàn cấp cao và giữa các bộ, ngành, duy trì và mở rộng mô hình hợp tác ba bên và tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Cameroon Mbella Mbella, hai bên nhất trí cần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước cả trên bình diện song phương và đa phương. Bộ trưởng Mbella Mbella cho biết luôn lưu giữ những ấn tượng sâu sắc về đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam đôn hậu, mến khách trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017, khẳng định Cameroon và cá nhân ông luôn ủng hộ quan hệ tốt đẹp và bền chặt với Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn tình cảm tốt đẹp của Bộ trưởng Mbella Mbella dành cho Việt Nam, đề nghị Chính phủ Cameroon tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel đầu tư và kinh doanh tại Cameroon. Bộ trưởng Mbella Mbella cam kết sẽ tìm kiếm giải pháp, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Việt Nam đầu tư tại Cameroon.

Cũng trong ngày họp cuối, Hội nghị sẽ bỏ phiếu kín bầu Tổng thư ký mới, HNCC 17 của OIF bế mạc cùng ngày.

Tâm Hằng (TTXVN)