05:08 20/05/2011

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha: Các ứng viên mong muốn tiếp xúc được đông đảo cử tri

Ngày 18/5 là ngày cuối cùng MTTQ tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 với cử tri...

Ngày 18/5 là ngày cuối cùng MTTQ tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 với cử tri, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha (ảnh) về công tác tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của MTTQ các cấp, cũng như những nỗ lực nhằm tăng cường vai trò giám sát của MTTQ đối với các hoạt động của đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ tới.

Xin Phó Chủ tịch cho biết những đánh giá sơ bộ ban đầu về công tác tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của MTTQ các cấp?

Hầu hết các địa phương đều tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri đúng thời gian quy định. Số lượng cử tri tham dự ở nhiều địa phương rất đông đảo, có hội nghị thu hút hàng trăm người tới dự; thành phần cử tri dự các hội nghị cũng rất đa dạng. Các ý kiến cử tri đều rất tâm huyết, có tính xây dựng cao, phần nhiều xuất phát từ mong muốn xây dựng Quốc hội, HĐND ngày càng chất lượng, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Chương trình hành động của những người ứng cử đa số đều được chuẩn bị rất công phu, bám sát chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, HĐND, quyền và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, đồng thời gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ về kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Không khí nhiều hội nghị cử tri rất sôi nổi, thẳng thắn nhưng cũng rất xây dựng, có sự trao đổi, đối thoại giữa cử tri với những người ứng cử. Tuyệt đại đa số người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đều thực hiện đầy đủ số cuộc tiếp xúc như hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện quyền vận động bầu cử, một vài nơi đã xuất hiện hiện tượng người ứng cử thực hiện những đợt làm từ thiện, tặng quà cho cử tri... Điều này có ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri khi cầm lá phiếu bầu hay không, quan điểm của MTTQ về vấn đề này như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

Việc một số người ứng cử tặng quà, làm từ thiện cho cử tri và nhân dân nơi mình ứng cử không thể nói là không ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri trong việc lựa chọn bỏ phiếu cho ai. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự ảnh hưởng cũng không lớn lắm, bởi lẽ mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội có hàng vạn cử tri và không phải ai cũng dễ bị tác động…

Quan điểm của MTTQ Việt Nam về vấn đề này rất rõ ràng: Việc vận động bầu cử phải theo đúng quy định pháp luật đó là "Công khai, dân chủ, bình đẳng và xây dựng trong vận động bầu cử…"; "Không được dùng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri" - Điều 12 Nghị quyết 1020/2011-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp xúc được đông đảo cử tri để vận động bầu cử là nguyện vọng của tất cả những người ứng cử.

Xin Phó Chủ tịch cho biết MTTQ sẽ thực hiện những biện pháp gì nhằm tăng cường vai trò giám sát của MTTQ trong ngày bầu cử 22/5 tới, cũng như đối với các đại biểu Quốc hội trong cả nhiệm kỳ tới?

Công tác giám sát của Mặt trận trong ngày bầu cử sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và theo đúng quy định pháp luật về bầu cử. Theo đó, Mặt trận sẽ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của tổ bầu cử, các thành viên tổ bầu cử sao cho đúng luật, tạo điều kiện tốt nhất để mọi cử tri thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân trong ngày bầu cử. Ngoài ra, MTTQ cũng sẽ giám sát việc đi bầu cử của cử tri nhằm tránh tình trạng bầu thay như đã xảy ra ở một số địa phương trong các cuộc bầu cử trước đây. Việc giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội cũng sẽ được thực hiện theo Luật tổ chức Quốc hội, Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội và các văn bản pháp luật khác liên quan.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

Nguyễn Bích Thủy (thực hiện)