01:16 01/01/2012

Phim Việt 2011: Những tiền lệ bị phá vỡ

Vụ “lùm xùm” ở Cục Điện ảnh - từng gây xôn xao công luận - nằm ngoài rạp chiếu năm 2011 và nằm ngoài cả những “cuộc vượt rào” chưa từng có từ trước đến nay của phim Việt.

Vụ “lùm xùm” ở Cục Điện ảnh - từng gây xôn xao công luận - nằm ngoài rạp chiếu năm 2011 và nằm ngoài cả những “cuộc vượt rào” chưa từng có từ trước đến nay của phim Việt. Bởi vì phim Việt đã phá vỡ “tục lệ” ra rạp theo mùa, đã lập “kỷ lục” mới về mức vốn đầu tư và cả những cuộc “mở đường” về mặt tư duy được khai phá bởi những chuyên gia đến từ Hollywood.

Năm 2011, điện ảnh Việt Nam ghi nhận vụ thất thoát hơn 36 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh. Khi các ông cục trưởng và cục phó tiếp tục đứng vào BTC liên hoan phim quốc gia thì “nước mới vỡ bờ”… Và chỉ 4 tháng sau đó, LHP Việt Nam lần thứ 17 được tổ chức. Một nỗ lực đáng ghi nhận của những người tâm huyết với điện ảnh, phải kể đến đầu tiên là Bộ trường Hoàng Tuấn Anh - người chủ trì cuộc hội thảo bàn về thực trạng và giải pháp của nền điện ảnh VN. Tuy nhiên, LHP Việt Nam lần thứ 17 vẫn không thể như kỳ vọng.

Cũng chính vì những “điểm mờ” này, bài viết sẽ không đề cập đến những bê bối liên quan tới vụ thất thoát, hay những mặt chưa được của một liên hoan phim quốc gia, hay cả vô số giải thưởng mà Bi, đừng sợ!, Cánh đồng bất tận, Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, Tâm hồn mẹ… đã đoạt được mà là:

Tiền lệ phim theo mùa

Năm 2003, phim Gái nhảy của Lê Hoàng ra rạp và hút khách, là một cột mốc đánh dấu sự hồi sinh của phim chiếu rạp tại Việt Nam - với tổng doanh thu cho tất cả phim vào khoảng 2 triệu USD. Năm 2010, với sự lên ngôi về doanh thu của các phim Việt như Để Mai tính, Giao lộ định mệnh, Cánh đồng bất tận… nên tổng doanh thu vào khoảng 26 triệu USD. Con số cụ thể của năm 2011 chưa thống kê được, ước lượng vào khoảng 600 tỷ đồng (tương đương 28 triệu USD), riêng hai phim Cô dâu đại chiến (gần 42 tỷ) và Long Ruồi (khoảng 49 tỷ) đã là đáng mừng.

Việc Cô dâu đại chiến thành công dịp Tết Tân Mão cũng là điều dễ hiểu, bởi lúc đó chỉ có ba phim, với ba phong cách hoàn toàn khác nhau, mà một phim đã nhanh chóng thất bại. Nhưng Long Ruồi thì khác, ra rạp vào 26/8/2011, một ngày thứ Sáu bình thường, chẳng phải lễ 30/4, lễ 14/2, Giáng sinh hay Tết.



Với 49 tỷ đồng, Long Ruồi đang giữ quán quân về doanh thu của phim Việt; nó chỉ thua Kungfu Panda 2 một chút, khi siêu phẩm này có doanh thu phòng vé khoảng 2,7 triệu USD tại thị trường Việt Nam.



Khi nhà sản xuất quyết định ra rạp lúc này, giới báo chí rất thắc mắc và tự hỏi: Tại sao không để dành dịp Giáng sinh, Tết dương lịch? Hay do chất lượng phim quá kém mà nhà sản xuất muốn né sự cạnh tranh? Thế rồi, khi Long Ruồi cán đích 2 triệu USD sau 4 tuần chiếu, giới quan sát mới “tá hỏa”, tưởng đây là chiêu trò của phía phát hành, nhưng khi đến các rạp, thấy khán giả vẫn còn xếp hàng dài, niềm tin mới được củng cố ít nhiều. Theo nhà phát hành Galaxy thì trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 300 suất chiếu Long Ruồi, với hơn 25.000 lượt người xem.

Nếu tính một năm bắt đầu từ Tết Nguyên đán Tân Mão đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn thì năm này Việt Nam có khoảng 20 phim, riêng dịp cuối năm đã có 6-7 phim như Thiên mệnh anh hùng, Lời nguyền huyết ngải, Lệ phí tình yêu, Vũ điệu đường cong, Hello cô Ba …

Bình tâm mà suy xét thì Long Ruồi không hay bằng các phim giải trí như Để Mai tính, Cô dâu đại chiến… Thế nhưng, bù lại, nó có mấy điểm ưu trội là do ê-kíp nổi tiếng thực hiện, với sự thể hiện của Thái Hòa - dư âm thành công từ Để Mai tính vẫn còn nóng; thứ hai, nó gặp “hên” trong việc chọn thời điểm ra rạp, rất ít sự cạnh tranh; thứ ba, mức đầu tư thấp, nên lời nhiều. Chính thành công thiết thực này được cho là sự phá vỡ tiền lệ, vì lâu nay người ta vẫn nghĩ phim Việt chỉ dành cho một, hai mùa cố định trong năm. Từ đây các nhà sản xuất sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư và chọn thời điểm phát hành.

Tiền lệ về đầu tư

Dư luận đang rất quan tâm đến dự án phim kiếm hiệp của Việt Nam trong gần 20 năm qua là Thiên mệnh anh hùng, khi các nhà sản xuất có thể phải chi đến 30 tỷ đồng thì phim mới ra rạp được. Đây là một dự án có hai thất bại, đầu tiên là về dự trù kinh phí (ban đầu dự kiến khoảng 12 tỷ), đến nay đã phải chi khoảng 26 tỷ; tiếp đến là tìm hướng phát hành, bởi công thức huề vốn là lấy kinh phí sản xuất nhân đôi, phía phát hành luôn giữ tối thiểu 50%, nên phải cần thu về khoảng 60 tỷ thì mới có hy vọng.


Đầu tư gần 30 tỷ đồng, Thiên mệnh anh hùng đang được khán giả thích phim kiếm hiệp chờ đợi.


Thế nhưng, nếu nhìn từ phía khán giả thì rất có lợi, bởi họ đã đợi từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước (với các phim dã sử kiếm hiệp như Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La…) để có dịp mục kích một phim kiếm hiệp ra chất hơn. Cái lợi kế tiếp là đạo diễn Victor Vũ và ê-kíp được thẳng tay trong nhiều trường đoạn, bởi sau Dòng máu anh hùng (kinh phí sản xuất hơn 1,5 triệu USD), chưa có phim hãng phim tư nhân nào dám bỏ ra số tiền này, bởi cơ hội thu hồi vốn quá hẹp, họ e ngại.

Cái lợi tiếp theo là về mặt thương hiệu và niềm tin, nếu Thiên mệnh anh hùng thành công về mặt đẳng cấp hay các nhà sản xuất có thể thu hồi vốn, thì từ nay các dự án điện ảnh có đầu tư lớn hơn mới đủ cơ sở để tiến hành. Cho nên, ngay lúc này, nhiều người đang hy vọng nhà sản xuất phóng lao thì hãy theo lao, để thị trường có một tác phẩm chất lượng.

Phá vỡ tư duy làm phim

Bên cạnh các dự án thiên về thị trường, thì các hoạt động chuyên ngành về phim cũng đã kích thích và thay đổi được niềm say mê của giới trẻ. Các hoạt động này chưa chắc bổ ích trực tiếp về mặt giáo dục hoặc làm nghề, nhưng rõ ràng, nó tăng thêm những điểm nhìn để so sánh và thay đổi tư duy.

Đầu tiên phải nói đến giải thưởng YxineFF 2011, thu hút hơn 150 phim tham dự, trong đó có phim từ các nước làng giềng như Campuchia, Philippines, Lào, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan… Năm nay, không những mở rộng về số lượng giải thưởng, mức tiền thưởng, mà còn cả tăng được chất lượng, khi có nhiều phim thu hút được giới chuyên môn và người xem. Dự án này là nơi để người mới vào nghề thể nghiệm các ý tưởng và phương pháp làm phim của mình.

Kế đến là dự án Phim 48 giờ “nội địa hóa” dưới tên gọi Phim 48 giờ Canon, với hơn 130 phim đáp ứng đủ tiêu chí, sẽ trao giải tại Nhà hát TP.HCM vào ngày 5/1/2012. Thách thức và điểm độc đáo của dự án này là làm sao để tổ chức thực hiện hoàn chỉnh một bộ phim trong vòng 48 giờ, kể từ lúc BTC đưa ra “đề bài”. Phim xuất sắc nhất sẽ được trình chiếu tại LHP Quốc tế 48HFP Filmapalooza; người thắng giải Grand Prize sẽ nhận được 3.000USD cùng thiết bị làm phim, cúp và cơ hội trình chiếu tại LHP Cannes (Pháp). Về thay đổi tư duy, dự án này cho thấy, việc làm phim không đơn thuần là chuyện kịch bản, đạo diễn, diễn viên hay kinh phí sản xuất… như ta thường nghĩ, mà việc tổ chức một đoàn phim là hết sức quan trọng.

Quy mô hẹp hơn là các cuộc giao lưu của Phillip Noyce (tháng 5/2011), các khóa học điện ảnh do Dov Simens (tháng 7/2011), Pilar Alessandra (tháng 11/2011) giảng dạy tại TP.HCM đã “mở đường” về mặt tư duy cho nhiều người có ước muốn làm phim trong tương lai gần.

Theo thethaovanhoa.vn