01:15 29/01/2011

Phim Việt 2010: Những chuyện buồn vui (Bài 2)

Ba bộ phim Long thành cầm giả ca, Trung úy và Khát vọng Thăng Long (mới được ra mắt trong tháng 11), rất được công chúng trông đợi, nhưng rồi cũng vẫn không thoát khỏi những "bất cập" trong việc khai thác một số nhân vật trong lịch sử của các đạo diễn.

Ba bộ phim Long thành cầm giả ca, Trung úy và Khát vọng Thăng Long (mới được ra mắt trong tháng 11), rất được công chúng trông đợi, nhưng rồi cũng vẫn không thoát khỏi những "bất cập" trong việc khai thác một số nhân vật trong lịch sử của các đạo diễn.

 
Bài cuối: Cần thêm sức thuyết phục


“Khát vọng Thăng Long” và “Trung úy” dù được thực hiện dưới bàn tay của hai “phù thủy” đạo diễn giàu kinh nghiệm là Lưu Trọng Ninh và Hà Sơn vẫn không để lại ấn tượng.

“Khát vọng Thăng Long” gây “hẫng” cho khán giả bởi những chi tiết, tình huống phim không được xử lý khéo léo, tinh tế, sâu sắc của đạo diễn. Đặc biệt với cái kết quá nhanh, vội đã làm không ít người thất vọng. Giải thích về điều này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói: “Đó là những cái thiếu sót, chúng tôi chưa làm được vì không có nhiều thời gian. Tất cả đều gấp gáp trong vòng mấy tháng quay, làm hậu kỳ và hoàn thành phim”.

Một cảnh trong phim “Long thành cầm giả ca”.


Trở lại với phim “Trung úy”, dù có một ý tưởng tương đối độc đáo, sáng tạo nhưng Hà Sơn lại mắc nhiều lỗi trong việc kể diễn biến câu chuyện. Những chiêu PR cho phim bằng những lời lẽ kín hở sẽ có nhiều cảnh “hot” của các nhân vật cũng khiến dư luận phản cảm với “Trung úy”. Sử dụng cảnh “hot” như con dao hai lưỡi, tốt thì nói là nghệ thuật, làm chưa tới sẽ bị coi như hàng rẻ tiền, chiêu câu khách.

Nhưng điều đáng buồn hơn cả là cảnh nóng trong phim Việt Nam chưa bao giờ được coi là “nghệ thuật” thực sự. Chiến tranh bộc lộ dưới góc nhìn, lăng kính đầy “phá cách” của Hà Sơn nhưng không tạo được chiều sâu và làm lay động người xem. Có cảm giác đạo diễn mới chỉ chạm ngõ, tái hiện lại chiến tranh chứ chưa đi vào tận cùng những đau xót, bất hạnh của những số phận bên trong cuộc chiến đó. Những mảng màu của chiến tranh không có sự đan xen, hòa quyện, cộng hưởng với nhau.

Những tác phẩm còn lại cũng ở trong tình trạng một màu như vậy. “Để mai tính”, “Cánh đồng bất tận” khiến người xem cảm thấy khiên cưỡng vì những tình tiết phi lôgic, không có sự dẫn dắt trong hành trình phát triển tâm lý nhân vật… Một điều cũng khiến số đông khán giả cảm thấy không ấn tượng với phim Việt đó là sự thiếu đầu tư, tìm tòi, sáng tạo những cách thể hiện mới.

Những thủ pháp, mảng miếng sáng tác từ phía nhà làm phim vẫn “bó hẹp” trong sự đơn điệu, cách làm truyền thống… Hiện tượng “Cánh đồng bất tận” dù vẫn chưa thôi làm xao động nhiều diễn đàn thì khán giả cũng có thể đưa ra ngay kết luận: Phim không giàu sức nặng bằng truyện. Nguyễn Phan Quang Bình chiều lòng, thỏa mãn thị hiếu khán giả bằng cách giảm nhẹ tính bi kịch, chiều sâu của truyện ngắn khi đưa lên phim. Sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong nội dung phim cũng làm người xem chưa thấy thực sự yêu phim như yêu truyện. Những điều khán giả tò mò khi xem “Cánh đồng bất tận” cũng chính là điểm hạn chế của phim.

Dàn diễn viên ngôi sao như: Tăng Thanh Hà, Đỗ Hải Yến hay Dustin Nguyễn bộc lộ rõ cách diễn thiếu bản sắc của mình. Nhiều người thích thú trước những cảnh quay sông nước miền Tây đẹp mê hồn của nhà quay phim Nguyễn Tranh. Tuy nhiên, rõ ràng cảnh quay đẹp ấy chưa phục vụ đắc lực cho việc tái hiện câu chuyện bi thương của gia đình ông Võ.

Dẫu có những “bất cập” như nói trên, điện ảnh Việt Nam năm 2010 vẫn được coi là có nhiều điểm mới, như phong phú hơn về đề tài, đa dạng hơn về hình thức thể hiện. Rất hy vọng trong năm 2011, điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục có những khởi sắc, để có sức thuyết phục cao hơn với khán giả Việt Nam.

Hương Giang