01:12 12/01/2011

Phim tài liệu "Những người cộng sản": Chân dung những con người bình dị

Là một trong những bộ phim tài liệu ra mắt trong đợt phim chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và mừng Xuân Tân Mão, “Những người cộng sản” của đạo diễn Đào Thanh Tùng (hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) lôi cuốn người xem bởi sự phản ánh trung thực...

Là một trong những bộ phim tài liệu ra mắt trong đợt phim chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và mừng Xuân Tân Mão, “Những người cộng sản” của đạo diễn Đào Thanh Tùng (hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) lôi cuốn người xem bởi sự phản ánh trung thực chân dung người cộng sản trong cuộc sống đời thường, đối mặt và đấu tranh với mặt trái trong xã hội, kiên định lý tưởng cách mạng...

Người dẫn chuyện trong phim là TS Nguyễn Đức Lộc, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, người khởi xướng xây dựng trang web mang tên “Bảo tàng kí ức xã hội”, diễn đàn để cho những sinh viên trong trường hay bất cứ ai có tâm huyết đều có thể tham gia kể những câu chuyện, những tấm gương về những con người bình dị, những người mà suy nghĩ và hành động của họ làm thay đổi số phận của những người khác, góp phần tôn vinh lối sống, giá trị sống tốt đẹp cho cộng đồng.

Một cảnh trong phim "Những người cộng sản".


Những câu chuyện trong phim cũng là những câu chuyện, những nhân vật được kể lại trên trang mạng “Bảo tàng kí ức xã hội”.

Đó là bà Phạm Thị Hồng, công tác tại khoa Y học dân tộc, Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Cuối năm 2000, Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) bị Công an tỉnh Hà Tây (cũ) bắt về hành vi cướp tài sản và hiếp dâm.


Lợi bị phạt 16 năm tù, Tình 14 năm tù, Kiên 11 năm tù. Năm 2008, đang thụ án tại trại giam Thanh Xuân thì Lợi bị bệnh liệt nửa người phải đưa vào Viện đa khoa Hà Đông chữa trị. Lương y Phạm Thị Hồng là người trực tiếp chữa trị cho Lợi và bất ngờ phát hiện ra Lợi chưa từng quan hệ tình dục khác giới trong khi lại bị xử về tội hiếp dâm.

Bà Hồng viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu điều tra lại vụ án. Suốt một năm "ôm" đơn đi kêu oan hộ cho người dưng nước lã, đến 36 cơ quan khác nhau, vụ án đã được điều tra lại và Tình, Kiên, Lợi đã được trả lại tự do sau 10 năm tù oan.


Hành động của bà Phạm Thị Hồng đã làm thay đổi số phận của 3 chàng trai trẻ. Phim còn cho khán giả biết thêm về cuộc đời đẹp như huyền thoại của bà Hồng. Sinh ra được 7 ngày tuổi, cha mẹ bà Hồng đã gửi bà làm con nuôi để đi hoạt động cách mạng, rồi cả bố mẹ đẻ của bà đều hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968. Mãi đến năm 19 tuổi, khi được đọc bức thư của ba gửi cho mình trước giờ bị Mỹ ngụy hành quyết, bà mới biết sự thật này.

Bà Hồng kể lại: “Chú Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và cô Ba Định trao cho tôi kỷ vật cuối cùng do ba mẹ tôi để lại là bức thư viết cho tôi năm 1968. Đó là kỷ vật quý giá nhất mà tôi luôn mang theo người. Tôi đã thuộc lòng từng dấu chấm, dấu phẩy.


Tôi đi kêu oan hộ, một phần cũng là câu của cha tôi đã nhắn nhủ đứa con mà ông không hề được gặp: “Phương Nam con yêu! Con phải lấy nghĩa nhân làm lẽ sống, không được thoái thác với bất kỳ lý do nào”.

Đó còn là câu chuyện về chị Đỗ Thị Xinh - nữ hộ sinh của một xã miền núi nằm trên dải Trường Sơn (thuộc tỉnh Quảng Nam), trong suốt 30 năm trời đã kiên trì đấu tranh chống lại tập tục lạc hậu của buôn làng, cứu sống hàng chục đứa trẻ vô tội chỉ vì họ quan niệm đẻ sinh đôi, sinh ba là bị ma ám, nên những đứa trẻ ra sau sẽ bị mang bỏ vào rừng để con ma không quay trở lại buôn làng quấy phá. Cuộc đấu tranh của chị đã góp phần mang lại sự đổi thay ở nơi được coi là khó khăn gian khổ nhất đất nước.

Rồi câu chuyện về bác sỹ Nguyễn Thành Long, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái hết lòng chăm sóc các bệnh nhân AIDS. Là chuyện của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, một trong những người đầu tiên là đảng viên chuyển sang làm kinh tế tư nhân ngay từ khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới. Rồi câu chuyện đấu tranh chống tham nhũng của ông Hoàng Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc một công ty tư nhân ở thành phố Hải Phòng...


Hay chân dung về anh hùng Nguyễn Văn Thương, một giao liên tình báo, bị địch bắt và tra tấn dã man, người sáu lần bị CIA Mỹ cưa chân. Đến ngày thống nhất đất nước, thân thể ông đã không còn nguyên vẹn, nhưng ông vẫn vui sống với một niềm tin sắt đá vào lý tưởng mà mình đã theo, vẫn hăng hái kể những câu chuyện để thế hệ sau này hiểu được công lao của thế hệ đi trước.

9 câu chuyện về 9 nhân vật trải dài khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong bộ phim tài liệu “Những người cộng sản” đã khiến người xem xúc động. Mỗi nhân vật là một câu chuyện, một số phận mặc dù không liên quan đến nhau, nhưng được người dẫn chuyện kết nối với nhau tạo thành một chuỗi liền mạch, cùng với một vài hình ảnh về quá trình hoạt động, trưởng thành của các bạn trẻ trong trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh trong khi tham gia các hoạt động xã hội và trưởng thành để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, trở thành những người cộng sản...

Đạo diễn Đào Thanh Tùng cho biết: “Trong xã hội hiện đại, nhiều người vẫn nghĩ những người cộng sản là những người có phần khô cứng. Tôi muốn làm một điều gì đó để các bạn trẻ và những người dân có những hình dung rõ hơn, đơn giản và gần gũi hơn về hình tượng người cộng sản trong xã hội hiện nay, trong giai đoạn hiện nay. Họ là những con người bình dị nhưng rất đỗi anh hùng, và ở ngay bên ta, trong chính chúng ta”.

Phương Lan