11:16 07/11/2010

Phim Lý Tiểu Long và trào lưu... ăn theo(Kỳ cuối)

Mặc dù các hãng sản xuất phim khác không có cảnh quay dở của Bruce Lee, nhưng họ vẫn tìm người trông giống Bruce Lee để làm phim.

Nếu còn sống, năm nay Bruce Lee (Lý Tiểu Long) đã tròn 70 tuổi. Mặc dù qua đời khi mới 33 tuổi, nhưng Bruce Lee đã trở thành huyền thoại và được gọi là "King of Kung-Fu" (Vua Kung-Fu), là "Nghệ sĩ võ thuật lớn nhất của mọi thời đại"...


Kỳ cuối: Jackie Chan, người chấm dứt trào lưu Bruceploitation

Mặc dù các hãng sản xuất phim khác không có cảnh quay dở của Bruce Lee, nhưng họ vẫn tìm người trông giống Bruce Lee để làm phim. Diễn viên đóng thế người Đài Loan Ho Chung Tao là người trực tiếp biết được ngoại hình tương đối giống ngôi sao quá cố có tính chất quyết định tới mức nào trong việc kinh doanh điện ảnh ở Hồng Công và Đài Loan. Từ nhỏ, Tao đã học võ nhưng thành công chẳng là bao. Dưới cái tên "James Ho", anh đã đi đóng thế một số lần để kiếm tiền nhưng cũng chẳng đắt giá mấy nên anh bắt đầu chuyển sang học làm giáo viên thể dục thể thao, cho tới khi mọi sự thay đổi vào năm 1973 với cái chết của Bruce Lee. Một người bạn của Tao làm việc trong ngành điện ảnh bỗng phát hiện ra rằng nếu nhìn ngang, Tao trông khá giống Bruce Lee. Khi nghe được một nhà sản xuất nói rằng đang muốn tìm một diễn viên chính mới cho một bộ phim Kung-Fu, người bạn này liền giới thiệu Tao là người có tiềm năng trở thành một Bruce Lee mới.

Với thành công của Jackie Chan (Thành Long), làn sóng "Bruceploitation" đã chấm dứt.

Và quả thực, Tao được coi là người kế nhiệm chính thức của Bruce Lee, do đích thân sư phụ đã chết bổ nhiệm. Điều đó ít nhất đã được đưa vào bộ phim "Abschied von der Todeskralle" (Vĩnh biệt móng vuốt tử thần) ra đời năm 1976 do anh thủ vai chính. Như khẩu hiệu quảng cáo cho bộ phim đã tiết lộ "If I die - find out why!" (Nếu ta chết, hãy tìm ra, vì sao!), bộ phim không chịu bằng lòng với lời giải thích là Bruce Lee đã bị chết vì căn bệnh úng não do bị công thuốc. Bản thân Lee giải thích cho đệ tử của mình trong phim do Tao thủ vai là anh ta phải kế nhiệm sư phụ và tìm ra ai là người đã giết chết sư phụ. Kế đó, người học trò do Tao thủ vai đã không quản ngại nguy nan, lên đường đi tìm kiếm tên "Nam tước", một tên sát thủ đáng gờm chịu trách nhiệm về cái chết của sư phụ, để báo thù. Bộ phim đã biến Tao từ một giáo viên thể dục thể thao thành một ngôi sao điện ảnh, cho dù không phải dưới tên thực của mình nữa. Trong phim, anh mang biệt danh Bruce Li và tiếp tục mang tên đó trong những bộ phim sau này.

Giữa những năm 1970, một loạt Bruce Lee "giả cầy" xuất hiện trên màn ảnh: Trong bộ phim "Bruce kehrt zurueck" (Bruce trở lại), một người tên là Bruce Le chiến đấu chống lại những tên vô lại bắt cóc con gái của một đại sứ Mỹ. Trong bộ phim "Secret Ninja" (Ninja bí mật), Dragon Lee, còn được gọi là Bruce Lei đã thi đấu thành công trong một giải đấu võ. Hoặc năm 1977, Bruce Le và Dragon Lee cùng với Bruce Lai và Bruce Thai xuất hiện trong bộ phim "The Clones of Bruce Lee", trong đó, các nhà khoa học đã tạo ra một đội quân bằng cách sinh sản vô tính từ vua võ thuật đã qua đời. Trào lưu phim làm nhái Bruce Lee lớn tới mức có lúc được đặt tên là "Bruceploitation", ghép từ tên Bruce và từ exploitation tiếng Anh có nghĩa là khai thác. Bản thân Bruce Lee lúc sinh thời mới đóng được 4 bộ phim Kung-Fu, nhưng những người bắt chước ông đã làm tổng cộng tới trên 100 bộ phim theo thể loại "Bruceploitation" trong thời kỳ hoàng kim của những bộ phim loại này từ năm 1974 tới 1984. Những người bắt chước nổi tiếng nhất là Ho Chung Tao với biệt danh Bruce Li đã đóng tới 30 bộ phim loại này, Wong Kin Lung (Bruce Le) với những bộ phim như "Return of Bruce" và "Enter the Game of Death" và diễn viên Hàn Quốc Mun Kyong-sok (Dragon Lee, Bruce Lei). Ba người này đã thu hút được nhiều người hâm mộ và sau này tìm cách đứng được trên thị trường phim võ thuật với "thương hiệu riêng". Một loạt những người khác đã xuất hiện với những biệt danh tương tự như Bronson Lee, Bruce Chen, Bruce Lai, Bruce Lie, Bruce Liang, Bruce Ly, Bruce Thai, Bruce K. A. Lea, Brute Lee, Myron Bruce Lee hoặc Lee Bruce...

Không chỉ bản thân các diễn viên, mà các bộ phim của họ cũng thường mang những tên "nhái", gây nhầm lẫn với bộ phim lừng danh "Enter the Dragon" của Bruce Lee. Ví dụ như những bộ phim "Re-Enter the Dragon", "Enter Another Dragon", "Enter Three Dragons" hoặc "Exit the Dragon, Enter the Tiger". Các nhà sản xuất hầu như chẳng giấu giếm việc ăn cắp ý tưởng, khi mà bằng cách này, chỉ với công sức và chi phí nhỏ là có thể kiếm được nhiều tiền. Thậm chí, họ còn đưa cả tên và ảnh của Bruce Lee lên áp phích quảng cáo, mặc dù vai chính chỉ do một trong vô số những người trông hơi giống và mang tên "nhái" Bruce Lee đóng.

Trong những bộ phim nhái đó, kịch bản chỉ mang tính chất thứ yếu. Thông thường tên phim đã cố tình gây nhầm lẫn cho khán giả. Ví dụ như trong phim "Bruce Lee gegen die Supermaenner" (Bruce Lee chống lại siêu nhân) ra đời năm 1975 do Bruce Li thủ vai, trong đó nhân vật chính liên kết với hai siêu anh hùng cùng mang tên "Ong xanh" để cứu Tiến sĩ Ting, một nhà nghiên cứu đã tìm ra công thức bí mật để chấm dứt nạn đói trên Trái Đất.

Cuối những năm 1970, làn sóng phim "Bruceploitation" chấm dứt, sau khi một gương mặt mới của phim Kung-Fu xuất hiện. Đó chính là Jackie Chan. Dưới biệt danh Sing Lung (Thành Long), có liên tưởng tới tên "Tiểu Long" của Bruce Lee, năm 1976, Jackie Chan đã đóng vai chính trong một bộ phim Bruceploitation mang tên "New Fist of Fury". Nhưng Jackie Chan thực sự thành danh năm 1978 trong phim "Drunken Master" với môn võ "túy quyền" và bộ phim "Snake in the Eagle's Shadow" với môn võ "xà quyền", khắc đậm một thể loại điện ảnh mới, đó là phim hài Kung-Fu. Trước đó vài năm, Jackie Chan bắt đầu sự nghiệp điện ảnh chỉ với một vai phụ trong bộ phim "Enter the Dragon" của Bruce Lee. Với những bộ phim của mình, Jackie Chan khẳng định được vị trí một siêu sao và nổi tiếng trên thế giới. Với sự nổi tiếng của mình, Jackie cũng có thêm nhiều quyền lực như được tham gia ý kiến với đạo diễn, sản xuất, kịch bản và cả âm nhạc.

Vũ Long (Tổng hợp từ các báo Đức)