01:22 08/01/2016

Phim "Cuộc đời của Yến": Làm dâu từ thuở lên 10

Bộ phim “Cuộc đời của Yến” của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ có một góc nhìn mới lạ khai thác những yếu tố tâm lý, đi sâu vào số phận của người phụ nữ sống ở làng quê Việt Nam những năm giữa thế kỷ XX.

Yến và 3 đứa con.

“Cuộc đời của Yến” được vinh dự trình chiếu mở màn LHP Việt Nam lần thứ XIX diễn ra hồi tháng 12/2015 và đã mang về giải Bông Sen Bạc cho “Phim truyện Điện ảnh” cùng 4 giải thưởng khác: Nữ diễn viên chính xuất sắc: Đỗ Thúy Hằng; Giải thưởng Âm nhạc phim truyện Điện ảnh: Lê Cát Trọng Lý; Giải thưởng quay phim xuất sắc: NSƯT Vũ Quốc Tuấn; Giải thưởng Họa sỹ thiết kế xuất sắc: NSƯT Dân Nam.

Đây là bộ phim có một góc nhìn mới lạ khai thác những yếu tố tâm lý, đi sâu vào số phận của người phụ nữ sống ở làng quê Việt Nam những năm giữa thế kỷ XX.

Phim kể về cuộc đời của Yến, một cô bé nông thôn xinh xắn phải về nhà chồng làm dâu khi mới 10 tuổi. Cuộc đời cô gắn liền với gắn liền với Hạnh, người chồng kém cô một tuổi, cùng những thăng trầm của nhà chồng, của bản thân và đất nước. Biên kịch trẻ Hồ Hải Quỳnh cho biết cô đã lấy cảm hứng từ cuộc đời bà nội của mình để viết kịch bản phim đầu tay này.

Về nhà chồng khi còn là cô bé 10 tuổi, Yến vẫn phải ngủ riêng với mẹ chồng. Tuy là con dâu nhà ông giáo nhưng cô bé không được học chữ, mà chỉ lén học mót của chồng. Đầu phim cuộc sống “vợ chồng” của đôi trẻ thật giản dị, đầy chất trẻ thơ trong sáng. Nhưng 15 năm sau, khi đã là bà mẹ ba con, ông bà đã mất, còn Hạnh thì làm thư ký cho hợp tác xã thì mọi gian truân của Yến dường như mới được đẩy lên cao.

Một cảnh trong phim.

Với vai Yến trong phim này và vai nữ chính trong phim “Những đứa con của làng”, Đỗ Thúy Hằng đã vinh dự được nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Đó đều là vai những phụ nữ nông thôn chân chất, nhưng có một cuộc đời khá gian truân, nhưng cả hai người phụ nữ trong hai phim ấy đều nỗ lực tìm mọi cách để vươn lên, vượt qua số phận để dành lấy yêu thương cho con và gia đình.

Nói về vai Yến, nữ diễn viên chia sẻ: “Điều quan trọng là cách tôi thể hiện nhân vật Yến với những vất vả thăng trầm thể hiện qua nét mặt chứ không phải vẻ bề ngoài. Yến không phải là một người nói nhiều mà sống rất nội tâm, mọi suy nghĩ đều thể hiện qua nét mặt và ánh mắt. Hơn nữa hình tượng này không phải do tôi hay do hóa trang mà đó là ý đồ của bộ phim muốn truyền tải đến người xem thông điệp về nghị lực vượt khó và nhất là tư duy tích cực của nhân vật Yến. Chính điều này làm nên sự trẻ trung của vai diễn”.

Bộ phim thể hiện sự hy sinh âm thầm và sức mạnh vươn lên trong mọi nghịch cảnh của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ vẫn luôn có những nỗi đau giấu kín và niềm khao khát cháy bỏng được yêu thương.

Giống như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, bộ phim “Cuộc đời của Yến” cũng có rất nhiều cảnh quay đẹp, nên thơ, vô cùng thân thuộc của làng quê miền Bắc thời kỳ đó. Riêng phần âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý cũng là một điểm nhấn cực kỳ thú vị, khi từng giai điệu du dương của bài hát qua giọng ca của cô như dẫn dắt người nghe quay về với những ký ức của ngày xa xưa, tạo ra rất nhiều cảm xúc.

Tham gia bộ phim còn có bé Kim Anh (Yến lúc nhỏ), Thủy Tiên (Yến thanh niên), Lâm Tùng vai Hạnh (chồng Yến trưởng thành), bé Khánh Nam (vai Hạnh lúc nhỏ), Tuấn Nghĩa (Hạnh thanh niên) và Minh Hương (vai Lanh, “tình địch” của Yến).
Phim công chiếu trên cả nước từ 8/1/2016.

H. Minh