03:22 12/03/2020

Philippines 'phong tỏa' thủ đô Manila

Ngày 12/3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố ngừng hoạt động đi lại bằng đường không, đường biển và đường bộ nội địa đến và đi từ thủ đô Manila, cũng như yêu cầu triển khai các biện pháp cách ly cộng đồng, mà ông gọi là "phong tỏa" thủ đô để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Manila, Philippines, ngày 23/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Duterte đã thông qua sắc lệnh cho phép thực thi một loạt biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm tụ tập đông người, đóng cửa các trường học trong một tháng và cách ly các khu dân cư phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 cũng như ngừng hoạt động vào ra thủ đô Manila. Động thái trên diễn ra sau khi Philippines hôm 7/3 công bố trường hợp SARS-CoV-2 đầu tiên lây nhiễm trong nước. Đến nay, nước này đã ghi nhận 2 ca tử vong do COVID-19 và 53 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Giới chức Y tế quốc gia này cũng đã tiến hành khử trùng hai tòa nhà chính phủ gồm tòa nhà Thượng viện và Ngân hàng trung ương Philippines sau khi xác nhận hai trường hợp dương tính với virus từng tham gia các cuộc họp với các quan chức và thượng nghị sĩ nước này. Tổng thống Duterte cũng sẽ được tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để đề phòng.

Cùng ngày, Bộ Y tế Maldives tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp kéo dài một tháng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/3, tại quốc gia này nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Cơ quan Bảo vệ sức khỏe Maldives đã đăng tải thông báo về quyết định trên trên mạng xã hội Twitter. Hôm 7/3, Maldives ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 là nhân viên của một khu nghỉ dưỡng cao cấp, được cho là nhiễm virus từ một du khách Italy. Kể từ đó, một số khu nghỉ dưỡng cao cấp của quần đảo này đã phải đóng cửa cách ly. Theo truyền thông Maldives, hiện số ca mắc COVID-19 tại nước này là 8 người.

Cũng trong ngày 12/3, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng khắp toàn cầu đồng thời ra lệnh cách ly bắt buộc đối với tất cả những người tới từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Moreno nêu cũng cho hay, giới chức nước này đã tăng cường thêm 22 bệnh viện nhằm điều trị cho các ca mắc COVID-19 và nghiêm cấm việc chuyển xà phòng, khẩu trang và thuốc khử trùng ra nước ngoài. Theo Bộ Y tế Ecuador, tính tới ngày 11/3 (theo giờ địa phương), nước này đã ghi nhận 17 ca mắc COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 12/3 cho biết quốc gia này không nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất là Đỏ dù đánh giá dịch bệnh COVID-19 sẽ còn kéo dài cả năm, hoặc thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore khẳng định trong trường hợp số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, Singapore sẽ thực hiện thêm các biện pháp giữ khoảng cách xã hội tạm thời, như đóng cửa các trường học, sắp xếp giờ làm việc xen kẽ hoặc bắt buộc làm việc từ xa qua mạng. Ông cũng đã trấn an người dân nước này, kêu gọi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng vượt qua thời khắc khó khăn.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore sẽ lên kế hoạch trước về một số biện pháp chặt chẽ hơn, thử áp dụng và bảo đảm người dân sẽ sẵn sàng khi chính phủ thực sự phải thực hiện các biện pháp đó. Ông Lý Hiển Long kêu gọi mỗi người dân Singapore đóng góp vào cuộc chiến chống COVID-19 bằng những việc làm cơ bản nhất như giữ gìn vệ sinh cá nhân, tránh bắt tay, ôm hôn, không tụ tập đông người và giữ khoảng cách trong giao tiếp. Ông cũng kêu gọi cắt ngắn thời gian các buổi nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo và giảm bớt số người tham dự để hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh. Số ca nhiễm COVID-19 tại Singapore tiếp tục tăng đáng báo động trong tuần qua, với hơn 60 ca nhiễm mới. Tính tới hết ngày 12/3, Singapore có tổng cộng 187 ca nhiễm, 96 ca đã xuất viện và 91 ca vẫn đang điều trị, trong đó có 9 ca nguy kịch.

Lê Ánh- Lê Dương (TTXVN)