05:15 23/05/2019

Philippines dọa đổ rác 'gửi nhầm' xuống biển trả cho Canada

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như đang dần mất kiên nhẫn khi Chính phủ Canada chậm trễ trong việc nhận lại các thùng container chứa rác gửi nhầm.

Chú thích ảnh
Người dân Philippines phân loại chai nhựa tại Manila. Ảnh: Reuters

Hãng tin RT dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết nhà lãnh đạo này đã dọa bỏ lại rác tại vùng lãnh hải Canada nếu như Ottawa từ chối nhận về.

Phát biểu trước báo giới ngày 22/5, người phát ngôn Salvador Panelo cho biết Tổng thống Duterter đã rất “tức giận” trước việc Ottawa “trì hoãn” việc nhận lại rác, không thể hoàn thành đúng hạn chót như thỏa thuận vào 15/5.

Giới chức hiện tìm một công ty vận tải tư nhân để hỗ trợ đưa các thùng container rác thải trả lại cho Canada, và phía Manilla sẽ chi trả chi phí.

“Rõ ràng Canada không coi vấn đề này cũng như quốc gia của chúng tôi nghiêm túc”, người phát ngôn Panela bày tỏ, cáo buộc Canada xúc phạm những người Philippines khi coi đây là “bãi đổ rác”.

Người phát ngôn cảnh báo nếu Canada không nhận lại chất thải, Philippines sẽ sử dụng biện pháp mạnh, đổ rác thải vào vùng lãnh hải hoặc cách bờ biển Canada 12 hải lý.

“Philippines là một quốc gia độc lập có chủ quyền và không một quốc gia nào có quyền đối xử với Philippines như rác rưởi. Chúng tôi hy vọng thông điệp này cũng sẽ truyền tải tới các quốc gia khác”, ông Panelo kết luận.

Từ năm 2013 đến 2014, Canada đã chuyển hơn 100 container rác thải gia đình, bao gồm các chai nhựa và túi nilon, giấy báo và tã giấy đã qua sử dụng tới Philippines. Quan chức nước này cho biết những thùng container được khai báo là vật liệu nhựa tái chế của một công ty tư nhân.

Năm 2016, một tòa án của Philippines đã lệnh chuyển các container rác về Canada. Một luật sư của vùng British Columbia, Canada, mới đây cũng đánh giá Canada đã vi phạm Công ước Basel, ngăn cấm các nước đã phát triển chuyển rác thải độc hại hay nguy hiểm sang các nước đang phát triển - vốn đang loay hoay với vấn nạn rác trong nước - mà không được sự cho phép của nước nhận.

Trước đây, những nước như Canada thường bán vật liệu tái chế sang Malaysia, Trung Quốc và Philippines, thì nay những nước này không muốn mua vật liệu tái chế nữa. Vật liệu tái chế "bẩn" đã trở thành mối quan ngại lớn khi đòi hỏi thêm việc phân loại và xử lý nếu những vật liệu được dán nhãn tái chế này không thực sự phù hợp trong quá trình chế biến.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức