04:08 18/04/2012

Phiên họp thứ 7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chăm sóc tốt hơn các đối tượng chính sách

Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và thảo luận về một số vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quảng cáo và dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và thảo luận về một số vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quảng cáo và dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

UBTVQH nhất trí với báo cáo thẩm tra về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng do Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày. Việc sửa đổi, bổ sung pháp lệnh hiện hành nhằm điều chỉnh kịp thời những điểm bất hợp lý, thúc đẩy quá trình tổ chức thực hiện chính sách, bảo đảm công bằng, công khai và tạo điều kiện để người có công tiếp cận chính sách một cách thuận lợi nhất. Đa số ý kiến đề nghị mở rộng chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế đối với thân nhân của người có công trên cơ sở cân nhắc phù hợp với khả năng cân đối ngân sách; tách trợ cấp tuất ưu đãi người có công với chế độ tuất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Các Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn đều cho rằng nhiều thương binh trước đây đã giám định nhưng tiến bộ y học khi đó chưa phát hiện được hết mọi thương tật, thực tế nhiều người vẫn còn viên đạn di chuyển trong cơ thể hoặc vết thương tái phát, không cho họ tái khám là không đúng, cần quy định trong trường hợp vết thương tái phát thì được giám định lại, để họ được nâng hạng và hưởng chính sách phù hợp nếu có thể.

Cấm định kiến về giới trong quảng cáo

Các ý kiến đều thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quảng cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày. Theo đó, mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác, còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta. UBTVQH tán thành giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo.

Nhiều ý kiến đề nghị Điều 9 dự thảo luật về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo cần bổ sung thêm nội dung định kiến về giới trong quảng cáo; bổ sung các quy định hành vi tương ứng trong hoạt động quảng cáo; quy định cụ thể một số sản phẩm hạn chế quảng cáo; chú trọng hơn đến những quy định về nội dung quảng cáo, tránh những quảng cáo phản cảm, phi thực tế…

Đóng góp vào dự thảo luật, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho rằng quảng cáo dịch vụ y tế bên cạnh việc phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp còn cần phải thông qua cơ quan quản lý liên quan. Sữa và các sản phẩm thay thế sữa mẹ được coi là sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sữa sản xuất trong nước, giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành đối với sữa nhập khẩu, song khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận để có sự hiểu đúng về các sản phẩm này, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết sẽ bổ sung thêm phần định kiến về giới trong quảng cáo tại quy định những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác cho phù hợp.

Nhà nước điều tiết giá điện linh hoạt

Chiều 17/4, UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và cho rằng việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực là cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động điện lực, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hạ tầng điện lực và bảo đảm an ninh năng lượng.

Về giá điện, các thành viên UBTVQH cho rằng thời gian qua, giá điện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận hợp lý, do đó chưa thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho sản xuất, truyền tải, phân phối điện đồng thời chưa tạo động lực cho việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ứng dụng công nghệ sản xuất, sử dụng ít điện năng. Nhiều thành viên UBTVQH đề nghị bổ sung thêm vào khoản 1a Điều 29 Luật Điện lực, quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Quy định này vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện – loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân cả nước. Nhiều thành viên UBTVQH cũng đồng tình với việc sửa đổi khoản 1 và 2 Điều 31 theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân...

Các thành viên UBTVQH cũng dành nhiều thời gian thảo luận về căn cứ lập và điều chỉnh giá điện, quy định phí điều tiết điện lực…

Chu Thanh Vân - Phúc Hằng