03:00 24/03/2012

Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Bổ sung 1.713 biên chế cho Tòa án nhân dân địa phương

Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 6, sáng 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc bổ sung biên chế, số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương năm 2012-2013.

* Có thể xem xét thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 6, sáng 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc bổ sung biên chế, số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương năm 2012-2013.

Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trần Văn Tú đọc Tờ trình về việc bổ sung biên chế, số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương năm 2012 – 2013. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Trần Văn Tú, tính đến ngày 15/9/2011, biên chế của TAND địa phương hiện có 12.118 người, trong đó có 4.855 thẩm phán. So với biên chế mà UBTVQH đã phân bổ cho năm 2009-2010, hiện nay TAND địa phương còn thiếu 684 biên chế.

Ông Trần Văn Tú cho biết, trong các năm qua, biên chế của ngành TAND đã được bổ sung để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, do tình hình số lượng án các loại thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành TAND tăng hàng năm khoảng 15-20%, dẫn đến nhiều TAND địa phương quá tải. Tới đây, số lượng các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của TAND theo Luật Tố tụng hành chính sẽ tăng lên rất lớn. Đó là những đòi hỏi khách quan, cần thiết phải bổ sung biên chế, số lượng thẩm phán cho ngành TAND.

Để triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính, giải quyết số lượng các loại án tăng hàng năm, bổ sung biên chế cho các đơn vị Tòa án mới được thành lập, đáp ứng công tác thi hành án hình sự, công tác phát triển và ứng dụng công nghệ, TANDTC trình UBTVQH phê duyệt bổ sung thêm 1.893 biên chế cho các TAND địa phương. Trong đó, bổ sung 1.486 biên chế cho TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết phải bổ sung biên chế và số lượng thẩm phán TAND địa phương; nhấn mạnh việc phân bổ biên chế, số lượng thẩm phán cho TAND địa phương ở thời điểm này cần phải tính đến yêu cầu trước mắt và lâu dài, có lộ trình cụ thể và tính dự báo đối với việc tổ chức lại hệ thống Tòa án cũng như thẩm quyền của Tòa án các cấp theo tinh thần cải cách tư pháp. Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc bổ sung biên chế và số lượng thẩm phán TAND địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc phân bổ biên chế để bảo đảm giải quyết công việc. Vì vậy, không nên tăng đồng đều mang tính chất bình quân, mà chỉ nên tăng biên chế và thẩm phán ở các đơn vị đang gặp khó khăn.

Cho ý kiến về nội dung này, nhiều ủy viên UBTVQH bày tỏ băn khoăn về khả năng tuyển dụng, cũng như việc bảo đảm chất lượng cán bộ của ngành Tòa án (hiện mỗi năm ngành chỉ tuyển dụng được khoảng 400 biên chế) và đề nghị TANDTC chú trọng các giải pháp tạo nguồn tuyển dụng bảo đảm chất lượng; xây dựng chế độ, chính sách có tính đặc thù để thu hút nguồn nhân lực.

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, để giải quyết những khó khăn về nguồn tuyển dụng cán bộ, công chức, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tiến hành tuyển dụng biên chế ở những nơi có nguồn tuyển dụng để điều chuyển, biệt phái cho những nơi có nguồn tuyển dụng khó khăn; kiến nghị chính sách thu hút cán bộ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo theo địa chỉ... Tuy nhiên, giải pháp cơ bản vẫn là tiền lương và chế độ đặc thù.

Sau khi xem xét, UBTVQH đã đồng ý với phương án Ủy ban Tư pháp đưa ra là bổ sung 1.713 biên chế cho TAND địa phương năm 2012-2013. Tổng biên chế của TAND địa phương là 14.515 người.

* Trong phiên họp buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Theo nội dung Đề án, về định hướng, những giải pháp đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có tiến hành phản biện các chính sách pháp luật ngay từ giai đoạn làm chương trình. Các nội dung báo cáo thẩm tra dự án luật phải có ý kiến chính thức của Ủy ban Pháp luật về việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của pháp luật.

Đề án cũng đề xuất một số nội dung để Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến như: Trong thời gian giữa hai kỳ họp QH, việc xin ý kiến QH tại lần trình thứ nhất có thể sẽ được tiến hành dưới hình thức họp truyền hình trực tuyến từ trụ sở Quốc hội đến 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực của dự án. Tại kỳ họp QH, chỉ thảo luận ở tổ về những dự án luật lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau. Xem xét, rút ngắn thời gian trình bày văn bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, các dự án, báo cáo khác tại Kỳ họp QH, Ủy ban Thường vụ QH xuống còn khoảng 15 – 20 phút.

Tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề, dành toàn bộ thời gian tại hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp; tiến hành chất vấn theo hướng đối thoại, tranh luận đến cùng về từng vấn đề. Tăng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH; hoạt động báo cáo giải trình của các bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH.

Cũng theo đề án, có thể xem xét thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Nghiên cứu thành lập Ủy ban Dân nguyện của QH để đảm nhiệm chức năng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri…

Tán thành với định hướng Hội đồng và các Ủy ban tiến hành phản biện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngay từ giai đoạn đầu của chương trình xây dựng pháp luật, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, để việc này khả thi và có hiệu quả thì cần phải có cơ chế đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với phía Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần xem xét kỹ việc để các cơ quan thẩm tra tham gia ngay cùng với cơ quan xây dựng pháp luật từ giai đoạn đầu. Bởi các cơ quan này cần có sự độc lập tương đối với nhau trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh.

Liên quan đến những giải pháp đổi mới hoạt động xây dựng pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng phải khắc phục bằng được tình trạng văn bản xây dựng pháp luật gửi đến các cơ quan, Ủy ban của QH quá muộn, gây khó khăn cho việc thẩm tra, thẩm định theo yêu cầu đề ra.

Đánh giá chung các ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đều thống nhất phương hướng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của QH nhưng cần tiến hành một cách đồng bộ, kịp thời, toàn diện. Chủ tịch QH lưu ý, trong khi chờ sửa đổi Hiến pháp 1992, cần tập trung vào việc đổi mới cách thức tiến hành các kỳ họp QH, phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH để nâng cao hiệu quả hoạt động của QH; vừa làm, vừa tổng kết, so sánh, rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện mô hình cách thức mới đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của đại biểu QH và cử tri.


Thanh Hòa - Quang Vũ