07:15 10/07/2025

Phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp

Sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc quy trình xây dựng pháp luật

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề xuất bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp, gồm: dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); dự án Luật An ninh mạng; dự án Luật Thương mại điện tử; dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế).

Về trình tự, thủ tục xây dựng, Chính phủ đề xuất xây dựng 2 dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế) và Luật Thương mại điện tử theo trình tự, thủ tục thông thường; đề xuất xây dựng 2 dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế) và Luật An ninh mạng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra nêu rõ, Thường trực Ủy ban và các cơ quan tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật trên vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Để nâng cao chất lượng văn bản và thực hiện đúng chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Thường trực Ủy ban đề nghị các cơ quan tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc quy trình xây dựng pháp luật, chỉ đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp thực sự cần thiết và đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về việc xác định luật “sửa đổi” hay “thay thế”, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị tiếp tục áp dụng như thông lệ từ trước đến nay. Theo đó, đối với các dự án luật sửa đổi toàn diện để thay thế luật hiện hành thì gọi là luật (sửa đổi), đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều thì tên luật cũng phản ánh đúng phạm vi sửa đổi, bổ sung.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chỉ còn Kỳ họp thứ 10 là kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Do đó, tất cả những dự án luật trình nên gói gọn và quyết định tại Kỳ họp thứ 10. Nếu cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị thật kỹ, thật tốt, có chất lượng thì sẽ trình các dự án Luật theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Liên quan đến xác định luật “sửa đổi” hay “thay thế”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về pháp lý là hoàn toàn khác nhau, không thể coi là tương đồng với nhau. Sửa đổi một số điều hoặc sửa toàn diện thì cũng là sửa đổi, giữ nguyên văn bản gốc chỉ bổ sung điều chỉnh một phần nội dung của luật đó. Sau khi sửa đổi, luật gốc vẫn còn hiệu lực, chỉ thay đổi các điều khoản cụ thể. Còn luật thay thế nghĩa là ban hành một luật mới hoàn toàn, chấm dứt hiệu lực của luật cũ và luật cũ không còn giá trị pháp lý.

Sắp xếp lại không chỉ để gọn hơn mà còn để phát triển mạnh hơn

Trong phiên họp sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6/2025.

Trình bày tóm tắt Báo cáo, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, cử tri và nhân dân cho rằng, thời gian qua Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nhất là việc triển khai khẩn trương, nghiêm túc các điều kiện phục vụ hoạt động của cấp ủy, chính quyền các xã (mới), tổ chức vận hành thử nghiệm hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã mới sau sắp xếp. Đây là những tiền đề quan trọng để sáng 30/6 trên địa bàn cả nước đồng loạt tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương về sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã được diễn ra trang trọng, nghiêm túc, đúng quy định.

“Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa chính trị, hành chính đặc biệt quan trọng mà còn thể hiện quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kết quả của sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; khẳng định tinh thần đổi mới, đoàn kết và thống nhất trong toàn quốc”, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nhấn mạnh.

Cử tri cũng rất quan tâm đến việc triển khai và thực hiện 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị; hết sức quan tâm đến các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.

Cử tri và nhân dân phản ánh một số tình trạng cần được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm, có giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới như: tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng; việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sẽ làm tăng chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân. Cùng với đó là, tình trạng cháy nổ vẫn diễn ra, nhiều vụ gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình hình đuối nước xảy ra vào mùa hè do nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt là bơi lội của trẻ em và người lớn tăng lên…

Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, có biện pháp quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả và đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc hậu kiểm chất lượng sản phẩm đã đăng ký.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương 2 cấp cần tập trung quản lý chặt chẽ và tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là chú ý thực hiện tập trung vào hai lĩnh vực là thực phẩm ăn uống hàng ngày và thuốc trị bệnh.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh , đại diện Đoàn giám sát trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về vấn đề liên quan hàng giả, hàng kém chất lượng, Thường trực Ủy ban đã thảo luận với một số cơ quan của Quốc hội và thống nhất kế hoạch dự kiến tháng 8 sẽ tổ chức phiên giải trình.

Theo đó, trong tháng 7, đầu tháng 8 sẽ nhận báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đi khảo sát thực tế. Trong tháng 8, Ủy ban Văn hóa và Xã hội sẽ cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tổ chức phiên giải trình liên quan 2 vấn đề là thuốc giả, thực phẩm giả.

Phan Phương (TTXVN)