10:08 06/10/2011

Phiên họp thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII: Đề cao trách nhiệm của Công đoàn trong lãnh đạo, giải quyết đình công

Cho phép tăng nhưng khống chế thời giờ làm thêm, tăng thời gian nghỉ thai sản tối đa từ 4 tháng lên 6 tháng đối với lao động nữ; xác định quyền được nghỉ hưu; hoàn chỉnh khung pháp lý về đình công… nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động là những vấn đề nổi bật...

Cho phép tăng nhưng khống chế thời giờ làm thêm, tăng thời gian nghỉ thai sản tối đa từ 4 tháng lên 6 tháng đối với lao động nữ; xác định quyền được nghỉ hưu; hoàn chỉnh khung pháp lý về đình công… nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động là những vấn đề nổi bật, được bàn thảo kỹ trong buổi họp sáng 5/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, quy định về tiền lương tối thiểu trong dự án luật phải hướng đến mục tiêu bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương. Ủy ban cũng tán thành quy định về số giờ làm thêm như dự thảo luật, nhưng có giới hạn chỉ cho phép làm thêm giờ trong một số ngành, nghề cụ thể, theo độ tuổi nhất định và phải quy định tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức hiện hành và có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, làm thêm ban đêm, làm thêm vào ngày nghỉ.

Trong giải quyết tranh chấp lao động và đình công, cơ quan thẩm tra cho rằng, cần khẳng định vai trò đại diện người lao động của công đoàn cơ sở. Hướng đi này nhằm thúc đẩy nhu cầu thành lập tổ chức công đoàn của người lao động tại các doanh nghiệp chưa có tổ chức này để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mình. Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ quan điểm về quyền nghỉ hưu; phải đặt vấn đề tuổi nghỉ hưu của người lao động trong mối quan hệ với lực lượng lao động, bảo đảm an sinh xã hội, mức độ già hóa dân số, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Liên quan đến thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Ủy ban Các vấn đề xã hội đề xuất nên quy định linh hoạt bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lưu ý cơ quan soạn thảo cần làm rõ nguyên nhân xảy ra nhiều vụ đình công là do pháp luật chưa hoàn thiện hay lý do nào khác; đồng thời phải liên hệ những nội dung trong Bộ luật này với các luật khác trong các lĩnh vực như: Bảo hiểm xã hội, y tế, an toàn vệ sinh lao động…

*Chiều 5/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Luật Công đoàn năm 1990 được ban hành vào giai đoạn đầu của thời kỳ chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường, nên hiện nay một số điểm không còn phù hợp, bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần phải bổ sung, sửa đổi.

Trong những vấn đề được đưa ra trao đổi, vấn đề địa vị pháp lý của công đoàn và tài chính công đoàn nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp.

Một số ý kiến cho rằng, luật nên xác định mục tiêu bảo vệ người lao động tập trung vào khu vực nào (công lập, ngoài công lập) hay nhóm người lao động mà quyền lợi dễ bị tổn thương? Đồng thời, để người lao động gắn bó với công đoàn thì luật cũng phải làm rõ quyền lợi của người lao động khi tham gia công đoàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong khi quyền của công đoàn các cấp và quyền của cán bộ công đoàn được quy định rất rõ thì quyền của người lao động lại bị “lép”, nên dễ bị hiểu là luật chỉ bảo vệ cho đội ngũ lãnh đạo công đoàn.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Điều 10 của Hiến pháp đã quy định rõ địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn, luật khi xây dựng và ban hành đều phải tuân thủ theo quy định của Hiến pháp.

Đối với vấn đề tài chính công đoàn, các ý kiến nghiêng theo quan điểm phải trích nộp kinh phí công đoàn 2% như dự thảo luật đề ra. Theo khoản 2 điều 27 của dự thảo luật thì một trong những nguồn thu hình thành tài chính công đoàn là “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động”. Song, điều mà nhiều ủy viên băn khoăn là vấn đề tài chính công đoàn làm sao phải minh bạch, rõ ràng, bình đẳng, có sức thuyết phục đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự án luật này nhận được sự quan tâm lớn của Thường vụ Quốc hội và nhân dân, trong đó có 15 triệu người lao động, do vậy cần xem xét kỹ càng, thận trọng, khắc phục tất cả các bất cập của thực tế thực hiện luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thật thuyết phục vấn đề kinh phí không phải sử dụng cho bản thân công đoàn, mà là để bảo vệ, chăm lo phúc lợi cho người lao động. Đồng thời, cần làm rõ việc đóng 2% là trên tổng quỹ lương cơ bản hay lương thực trả.

Quang Vũ - Chu Thanh Vân