10:12 29/10/2021

Phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index gặp lực cản tại 1.440 điểm

Sau 2 phiên liên tiếp lập đỉnh mới, dòng tiền lan tỏa “thăng hoa”, kết thúc phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 29/10, VN-Index chỉ tăng nhẹ 1,04 điểm (+0,07%), dừng ở mức 1.439,05 điểm.

Chú thích ảnh
Áp lực bán gia tăng khiến thị trường chứng khoán rung lắc.

Chốt phiên sáng 29/10, VN-Index có 176 mã tăng và 270 mã giảm, chỉ số đã vượt nhẹ tham chiếu 1,04 điểm nhờ VHM có vai trò lớn giúp thị trường giữ được sắc xanh khi kết phiên tăng 4,3% lên mức 84.500 đồng/cổ phiếu, là mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30; VIC tăng 0,74% và NVL tăng 2,5%. Điểm nhấn phiên giao dịch là nhóm cổ phiếu bất động sản, địa ốc, kinh doanh nhà với dòng tiền chảy vào sôi động. 

Các mã HQC, SCR, ITA, ASM đều tăng trên dưới 4%; HBC tăng kịch trần; NVL tăng hơn 3%; KBC tăng hơn 2%; KDH và GVR tăng hơn 1%... Nhóm ngân hàng vẫn đóng vai trò là gánh nặng chính của thị trường khi bảng điện tử chuyển sắc đỏ bao trùm trên diện rộng với MBB, SHB, VCB, TCB, VPB,  TPB, STB… nhưng biên độ giảm chỉ trên dưới 1%.

Chốt phiên sáng 29/10, sàn HNX có 83 mã tăng và 118 mã giảm, HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,04%), lên 411,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 100,92 triệu đơn vị, giá trị 2.162,95 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,9 triệu đơn vị, giá trị 26,77 tỷ đồng.

Phiên sáng 29/10, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 116 tỷ đồng trên HoSE nhưng mua ròng khá tốt ở VHM. Mã này nhận ròng xấp xỉ 79 tỷ đồng. TNH, VCB, CTG là các mã duy nhất còn lại được mua ròng trên 20 tỷ đồng. Phía bán ròng có NLG bị xả 75 tỷ đồng; VRE khoảng 49 tỷ đồng; PAN hơn 41 tỷ đồng; HPG, BCG quanh 20 tỷ đồng.

Trong những ngày qua, bên cạnh các các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3/2021 tăng trưởng tích cực, cổ phiếu ngành bất động sản trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhiều mã có phiên tăng trần nhờ kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ hồi phục sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài trong 3/2021, đây cũng là quý cao điểm bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt, nếu tính về khả năng hồi phục sản xuất thì còn rất nhiều ngành khác, đặc biệt ngành bán lẻ, công nghiệp hay dịch vụ tiện ích. “Hiện, dòng tiền không tập trung vào một vài ngành cụ thể hay sóng cổ phiếu ngành cũng không còn duy trì đủ dài mà liên tục quay vòng luân phiên ở các nhóm cổ phiếu, đòi hỏi sự nhanh nhạy, linh hoạt nhiều hơn từ phía nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khi dòng tiền xoay vòng nhanh, rủi ro ngắn hạn sẽ đến với nhà đầu tư mua đuổi theo giá khi quan sát được những tín hiệu tăng về giá và thanh khoản. Vì vậy, nhà đầu tư cần lựa chọn được cổ phiếu tốt và chờ mua khi giá vẫn ở vùng tích lũy hay trong nhịp điều chỉnh”, ông Vũ Minh Đức cho biết.

 

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức