05:11 22/05/2019

Phép thử hình mẫu hội nhập của EU

Từ ngày 23-26/5, hơn 420 triệu cử tri châu Âu sẽ đi bỏ phiếu để tìm ra những người đại diện cho mình tại Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ mới 2019-2024.

Chú thích ảnh
Một cuộc họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 17/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là một cuộc bầu cử rất quan trọng vì kết quả lựa chọn của cử tri sẽ định hình chính sách của Liên minh châu Âu (EU) những năm tới, trong bối cảnh EU đang đối mặt với những thách thức to lớn, nhất là việc các lực lượng chính trị dân túy, cực hữu chống EU trỗi dậy và nước Anh đang trong tiến trình rút khỏi EU (Brexit).

Đại diện cho công dân của toàn bộ các nước thành viên, Nghị viện châu Âu có vai trò rất lớn trong quá trình ra quyết định của EU. Khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đề xuất luật, các nghị sĩ có quyền sửa đổi và bỏ phiếu (cùng với Hội đồng châu Âu) đối với 20 lĩnh vực mà EP có thẩm quyền, trong đó có các vấn đề về đối ngoại, việc làm, môi trường hay nông nghiệp. Các nghị sĩ cũng có tiếng nói quyết định trong vấn đề xây dựng ngân sách hằng năm của EU. EP còn có thẩm quyền kiểm soát công việc của EC, các tổ chức khác thuộc EU và quan hệ hợp tác với cơ quan lập pháp của các quốc gia thành viên, bỏ phiếu phê chuẩn sự lựa chọn của Hội đồng châu Âu về người kế nhiệm chức chủ tịch EC và chủ tịch Hội đồng châu Âu

Nghị viện châu Âu hiện gồm 751 đại biểu được bầu từ 28 quốc gia thành viên EU. Từ năm 1979, việc bầu chọn các nghị sĩ được thực hiện theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp cho nhiệm kỳ 5 năm. Chủ tịch EP được các nghị sĩ bầu với nhiệm kỳ 2,5 năm. Tại kỳ bầu cử này, Anh và Hà Lan là hai quốc gia đầu tiên bắt đầu bỏ phiếu ngày 23/5. Tiếp đó là Ireland, nơi các cử tri sẽ đi bầu vào ngày 24/5. Các điểm bầu cử tại Latvia, Malta và Slovakia mở cửa ngày 25/5. Cộng hòa Séc sẽ bầu trong hai ngày 24 và 25/5. Cử tri tại 21 quốc gia còn lại của EU sẽ đi bầu vào ngày 26/5 và Italy là nước chốt lại cuộc bầu cử với dự kiến thời gian đóng cửa phòng phiếu muộn nhất vào lúc 21h ngày 26/5. Năm quốc gia gồm Bỉ, Bulgaria, Síp, Hy Lạp và Luxembourg bắt buộc công dân phải tham gia bầu cử châu Âu, các trường hợp thoái thác sẽ bị phạt hành chính

Tại Liên minh châu Âu, mỗi quốc gia có quyền xác định hệ thống bầu cử của riêng mình nhưng phải đảm bảo sự bình đẳng về giới cũng như bí mật về lá phiếu của cử tri. Mười một quốc gia EU đã áp đặt hạn ngạch về giới tính đối với danh sách ứng cử viên. Bỉ, Pháp, Italy và Luxembourg quy định danh sách ứng cử viên phải có số lượng nam và nữ ngang nhau. Tại các nước Croatia, Tây Ban Nha và Slovenia, ít nhất 40% trong danh sách này phải là nữ trong khi Ba Lan là 35%, còn Hy Lạp và Bồ Đào Nha là 33%. Một số quốc gia khác đưa ra nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tỉ lệ cân bằng giới giữa các ứng cử viên, nhưng trên thực tế các chế tài không phải lúc nào cũng đủ mạnh để buộc các bên phải thực hiện.

Bầu cử EP được tổ chức theo hệ thống đại diện theo tỷ lệ. Số đại biểu được phân bổ căn cứ số lượng cư dân của mỗi quốc gia thành viên EU. Một nước có dân số càng đông thì càng được phân bổ nhiều ghế nghị sĩ tại EP. Thành phần mới của EP phải được các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên EU chính thức phê chuẩn. Theo kế hoạch, việc này sẽ diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU được tổ chức tại Brussels (Bỉ) vào tháng 6 năm nay.

Hệ thống nhóm chính trị trong EP được hình thành và vận hành rất đặc thù. Thay vì chỉ đại diện cho lợi ích quốc gia, các nghị sĩ được yêu cầu tham gia các nhóm theo hình thức đa quốc gia và đại diện cho lợi ích chung. Cần tối thiểu 25 nghị sĩ để thành lập một nhóm chính trị và mỗi nhóm phải bao gồm các nghị sĩ đại diện cho ít nhất một phần tư số quốc gia thành viên EU. Một nghị sĩ chỉ có thể thuộc về một nhóm chính trị hoặc không thuộc nhóm chính trị nào, chứ không thể cùng lúc tham gia nhiều nhóm chính trị trong EP.

Trong nhiệm kỳ EP sắp kết thúc (2014-2019), hầu hết 751 nghị sĩ được chia thành 8 nhóm chính trị, bao gồm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) có 217 ghế chiếm 28,89%; Liên minh xã hội và dân chủ tiến bộ (S&D) 187 ghế chiếm 24,9%; Bảo thủ và cải cách châu Âu (CRE) với 75 ghế chiếm 9,99%; Liên minh tự do và dân chủ cho châu Âu (ALDE) giành 68 ghế chiếm 9,05%; hai đảng Cánh tả thống nhất châu Âu/Cánh tả xanh Bắc Âu (GUE/NGL) và đảng Xanh /Liên minh tự do châu Âu (Verts/ALE) mỗi đảng cùng có 52 ghế và cùng chiếm 6,92%; Châu Âu vì tự do và dân chủ trực tiếp (ELDD) với 41 ghế chiếm 5,46 % và cuối cùng là đảng Châu Âu của các quốc gia và người tự do (ENL) nhận 41 ghế chiếm 5,46 %. Còn lại là 22 nghị sĩ "trung lập" không thuộc nhóm đảng nào trong EP và số này đến từ 9 quốc gia thành viên, phần lớn thuộc thành phần cực hữu, trong đó người được biết tới nhiều nhất là bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của Pháp.

Thời gian qua, hệ thống các chính đảng tại các quốc gia thành viên EU đã trải qua những thay đổi lớn. Các đảng dân chủ truyền thống không còn nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri như trước đây, nên khó có khả năng giành được đa số trong cuộc bầu cử tới để nắm thế rõ ràng trong các cuộc bầu chọn lãnh đạo EU. Theo dữ liệu thu thập được từ 14 quốc gia thành viên, lần đầu tiên "liên minh lớn" giữa EPP và S&D có thể mất đa số với tỉ lệ đạt được dự kiến chỉ còn 43% trong nhiệm kỳ EP tới. Các đảng dân túy được cho sẽ giành nhiều ghế hơn và họ sẽ đòi xem xét lại nhiều chính sách của EU trong các vấn đề nóng như làn sóng người di cư, kiểm soát biên giới, an sinh xã hội, kinh tế, thương mại, việc làm, đối ngoại hay biến đổi khí hậu...

Trong bối cảnh sự chia rẽ cùng tâm lý hoài nghi châu Âu đang lan rộng tại "lục địa già", một trong những vấn đề đặt ra là phần lớn cử tri tỏ thái độ bất mãn và thờ ơ với cuộc bầu cử lần này. Nhiều người dân châu Âu đã không còn đặt niềm tin vào EP, bởi cho rằng các nghị sĩ thời gian qua đã không tìm được những giải pháp hợp lý cho những vấn đề cấp thiết như xử lý làn sóng người di cư hay giải quyết các vấn đề về an ninh, môi trường và việc làm.

Bên cạnh đó, thế bế tắc dai dẳng của Brexit cùng sự trỗi dậy của làn sóng chống hội nhập EU khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mô tả cuộc bỏ phiếu bầu EP này là "một lựa chọn hoặc là vì châu Âu, hoặc chống lại châu Âu", nói cách khác, cuộc bầu cử chính là "cuộc trưng cầu dân ý" đối với hình mẫu hội nhập của EU. Đây là hoạt động chính trị rộng lớn, quan trọng và mang tính bước ngoặt đối với tương lai của EU, mà kết quả bầu chọn có khả năng tạo những thay đổi lớn trong vấn đề đoàn kết nội bộ châu Âu, thậm chí có thể gây đảo lộn cuộc sống của nhiều công dân EU.

Kim Chung (TTXVN)