05:20 18/05/2020

Phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế

Chú thích ảnh
Hải Vân Quan thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh tư liệu: Trần Lê Lâm/TTXVN
 

Quan điểm, nguyên tắc lập quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của đất nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch các ngành quốc gia, quy hoạch vùng; đảm bảo phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn; tính khả thi trong triển khai, đáp ứng các nhu cầu trong các giai đoạn 2021 - 2025 và  2026 - 2030; tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn tiếp theo, phù hợp với tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, đánh giá khách quan điều kiện và thực trạng phát triển thời gian qua, những thay đổi trong thời gian tới, các tác động từ bên ngoài đến phát triển của tỉnh; các cơ hội liên kết giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế với các địa phương trong vùng và cả nước; khả năng khai thác Hành lang kinh tế Đông - Tây, các cơ hội phát triển mới, các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm loại bỏ các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển. Xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, bố trí hợp lý không gian nhằm giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trong địa bàn tỉnh hiện nay gắn với định hướng không gian cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.

Yêu cầu về nội dung quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Nội dung Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ, trong đó cần phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Yêu cầu xem xét, xử lý, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xem xét, xử lý và trả lời 5 kiến nghị của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng vừa yêu cầu các cơ quan theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý và trả lời 5 kiến nghị của doanh nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện, đồng thời gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tổng hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xem xét, xử lý và trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần xi măng Công Thanh về việc chậm thanh toán tiền điện trong thời gian dịch COVID-19.

Với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét, giải quyết các khiếu nại của Công ty cổ phần xây dựng I Hà Tĩnh liên quan đến việc sản xuất và hoạt động khai thác đá tại mỏ đá núi Nam Giới, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Đối với kiến nghị về việc bỏ yêu cầu cập nhật thông tin (mã số tiếp nhận) thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản quy định tại Điều 12, 13 của Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết.

Còn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, xử lý và trả lời các kiến nghị của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Công ty Luật HiLap) và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam kiến nghị Ngân hàng ACB tạm dừng giải ngân thanh toán lô hàng nhập khẩu mua gỗ thông, gỗ sồi xẻ và sấy giữa Công ty cổ phần xuất nhập khẩu D&P Việt Nam với đối tác là UAB TC Euro Group tại Lithuania.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, xử lý kiến nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV VC KTKS Thăng Long kiến nghị về chính sách thuế.

TTXVN/Báo Tin tức