03:11 28/03/2012

Phe đảo chính Mali công bố "hiến pháp mới"

Lực lượng đảo chính tại Mali, tự xưng là Ủy ban quốc gia vì sự chấn hưng dân chủ và khôi phục nhà nước (CNRDRE), ngày 27/3 thông báo đã thông qua một "luật cơ bản mới được soạn thảo nhằm đảm bảo chế độ pháp trị" ở quốc gia Tây Phi này.

Lực lượng đảo chính tại Mali, tự xưng là Ủy ban quốc gia vì sự chấn hưng dân chủ và khôi phục nhà nước (CNRDRE), ngày 27/3 thông báo đã thông qua một "luật cơ bản mới được soạn thảo nhằm đảm bảo chế độ pháp trị" ở quốc gia Tây Phi này. Trước đó, CNRDRE đã đình chỉ hiến pháp hiện hành ngay sau khi tiến hành đảo chính.

Trong thông báo được một binh sĩ đọc trên truyền hình quốc gia, CNRDRE nói rằng văn kiện mới này đảm bảo các quyền con người cơ bản. Theo "hiến pháp mới", các thành viên điều hành của CNRDRE sẽ không được tham gia ứng cử trong các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống. Tuy nhiên, CNRDRE chưa ấn định thời điểm tiến hành các cuộc bầu cử này.

Cùng ngày, CNRDRE đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, vốn được áp dụng từ ngày 22/3 ngay sau khi lực lượng này tiến hành cuộc binh bính lật đổ chính quyền hợp pháp ở Mali. Trên truyền hình quốc gia, CNRDRE cũng tuyên bố "tất cả tuyến biên giới của Mali sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 28/3".


Hàng trăm người tham gia cuộc tuần hành phản đối CNRDRE, tại thủ đô Bamacô, ngày 26/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Tình hình ở thủ đô Bamacô của Mali đang trở lại bình thường, trẻ em tiếp tục tới trường và các công sở, các cửa hàng đã dần mở cửa. Giao thông cũng tấp nập trở lại, mặc dù chưa được hoàn toàn bình thường như trước khi xảy ra đảo chính. Cảnh sát giao thông cũng xuất hiện trở lại tại các điểm nút giao thông trong khi lực lượng quân đội đã rút dần về doanh trại và không thấy nhiều binh lính trên đường phố như trước. Tuy nhiên, các đội tuần tra vẫn được duy trì và các vụ kiểm tra xe cộ và người đi đường vẫn diễn ra.

Cùng ngày 27/3, trong cuộc họp khẩn cấp tại Abítgiăng (Cốt Đivoa), các nhà lãnh đạo của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Mali, và cử một phái đoàn gồm 6 nguyên thủ quốc gia tới Mali. Tổng thống Buốckina Phaxô Blaise Compaore được chỉ định làm nhà trung gian hòa giải, có nhiệm vụ tiếp xúc với tất cả các bên liên quan để dàn xếp các cuộc đối thoại hiệu quả nhằm khôi phục hòa bình tại Mali. Thông cáo được đưa ra sau cuộc họp cũng cảnh báo nếu nhóm quân sự làm đảo chính tại Mali không tôn trọng quyết định của ECOWAS, khối này sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để dập tắt cuộc bạo loạn.

Thượng viện Nigiêria ngày 27/3 đã lên án cuộc đảo chính tại Mali, đồng thời kêu gọi ECOWAS, Liên minh châu Phi (AU), Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép buộc chính quyền quân sự tại Mali trao trả quyền lực cho Tổng thống hợp hiến của nước này - ông Amadou Toumani Toure. Giới chức phái bộ ngoại giao của Pháp và Mỹ tại Mali cho biết ông Toumani Toure hiện vẫn bình an vô sự.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo công dân nước này không tới Mali, và những công dân đang có mặt ở quốc gia Tây Phi này xem xét rời khỏi đây do tình hình chính trị bất ổn. Đây là cảnh báo thứ hai của Bộ Ngoại giao Mỹ trong bốn ngày qua. Ngoài ra, Mỹ cũng cảnh báo về một cuộc nổi dậy tại miền Bắc Mali, cũng như mối đe dọa liên tiếp của các vụ tấn công và bắt cóc người phương Tây ở khu vực này.

TTXVN/Tin tức