04:07 19/04/2014

Phạt trò trộm sách, mất tính nhân văn

Chuyện một học sinh lớp 7 trường Trung học cơ sở Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vì trót lấy 2 cuốn truyện (trị giá 20.000 đồng) bị người lớn làm nhục, đã gây phẫn nộ dư luận trong những ngày gần đây.

Chuyện một học sinh lớp 7 trường Trung học cơ sở Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vì trót lấy 2 cuốn truyện (trị giá 20.000 đồng) bị người lớn làm nhục, đã gây phẫn nộ dư luận trong những ngày gần đây.


Vụ việc xảy ra ngày 10/4 tại siêu thị Vĩ Yên, cũng ở Chư Sê. Khi phát hiện em S., giấu trong người 2 cuốn truyện, các nhân viên bảo vệ của siêu thị này đã dùng băng keo trói hai tay em lại, đồng thời treo tấm biển “Tôi là người ăn trộm” trước ngực nữ sinh này. S. chỉ được “giải thoát” khi người bạn đi cùng gọi điện thoại cho người thân của em giúp đỡ.


Dư luận bày tỏ thái độ phẫn nộ với hành động của nhân viên siêu thị không phải để bao che cho việc làm của em S. Với hành vi trộm sách của một đứa trẻ, mà người lớn lại có hình phạt nhẫn tâm, thì đó là cách hành xử thiếu văn hóa, việc làm vi phạm pháp luật cũng như tính nhân văn của con người.


Có lẽ xuất phát từ quan điểm trên mà đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Gia Lai, khi trả lời phỏng vấn báo chí đã nói rằng, hành vi trộm sách của em S. cũng chỉ do quá ham đọc, mà có thể nhà nghèo không có tiền mua; rằng ăn cắp cũng có nhiều loại, ăn cắp sách có thể coi là “ăn cắp văn hóa để làm giàu tri thức cho mình”...


Phát biểu của vị đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Gia Lai nhận được sự đồng tình của dư luận. Trong suy nghĩ của nhiều người, một đứa trẻ có hành động trộm cắp tiền khác với đứa trẻ trèo cây hái trộm trái chín; lại càng khác xa với đứa trẻ lấy trộm sách báo để mở mang tri thức. Bởi hành động của đứa trẻ ăn cắp tiền để tiêu xài hoang phí có tính toán hơn nhiều so với hành vi nghịch ngợm của đứa trẻ trèo cây lấy trộm trái chín. Còn với đứa trẻ lấy cắp sách để đọc, thì những điều hay lẽ phải trong sách vở sẽ dạy đứa trẻ sống có ích, làm điều thiện. Nói vậy không phải là suy diễn, bao biện, bởi thực tế đã có không ít người giờ đã thành danh, làm nhiều việc tốt cho đời, thời niên thiếu họ cũng từng mắc lỗi lầm “trộm sách” như đứa trẻ ở Chư Sê.


Với sự việc xảy ra ở siêu thị Vĩ Yên, có lẽ khi phát hiện ra hành vi của đứa trẻ ấy, những người có trách nhiệm ở đây đã nghĩ đến một hình phạt làm sao cho thật “đích đáng”, làm sao cho “hả giận”, mà quên rằng, sự việc lấy cắp sách của đứa trẻ đó khác với bản chất những vụ trộm cắp thông thường. Nhìn nhận thấu đáo sự việc xảy ra ở siêu thị Vĩ Yên, có thể thấy rằng, lỗi của đứa trẻ trộm sách không đáng để em phải chịu mức hình phạt tới mức thô bạo như vậy. Thay vì dạy dỗ, bảo ban, người ta đã chọn cách dễ nhất là trừng phạt đứa trẻ, mà không nghĩ rằng hành động của họ sẽ gây hệ lụy khó lường. Việc sử dụng nhục hình, có thể làm đứa trẻ sợ hãi tức thì, nhưng về lâu dài sẽ tạo vết hằn sâu trong tâm thức đứa trẻ.


Lời nhắn nhủ của cô chủ nhiệm lớp, của tập thể thầy cô giáo trường THCS Chu Văn An cũng như mong muốn của đông đảo dư luận, em S. hãy dũng cảm vượt qua tình huống khó khăn này, tu dưỡng rèn luyện, học những điều tốt ở sách báo để trở thành người có ích cho xã hội.

 

Yến Nhi