03:14 28/03/2023

Phát triển văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân

Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị Khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều cơ chế đẩy mạnh phát triển văn học nghệ thuật. Các hoạt động văn học nghệ thuật có tính chuyên nghiệp hơn, có bước phát triển mới, nhiều tác phẩm có giá trị góp phần định hướng tư tưởng thẩm mỹ của nhân dân.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 

Trên đây là nội dung được khẳng định tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X do Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức ngày 28/3.

Những năm qua, hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật của tỉnh Hưng Yên diễn ra khá sôi nổi, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, hàng trăm tác phẩm ra đời, nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Các tác phẩm thể hiện đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, lao động sáng tạo của nhân dân; chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao. 

Tại Hưng Yên, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh, nhiều câu lạc bộ về văn học, nghệ thuật ra đời. Qua đó, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, phát huy các giá trị nghệ thuật cổ truyền, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, ca trù, trống quân; nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở cơ sở, góp phần không nhỏ vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. 

Công tác xã hội hoá các hoạt động văn học nghệ thuật cũng được đẩy mạnh, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được triển khai tích cực. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, phục vụ các hoạt động văn học nghệ thuật ở cơ sở được đầu tư. Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật của tỉnh đã nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chú trọng thể chế hoá, tạo điều kiện cho hoạt động văn học, nghệ thuật của địa phương đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, có tác dụng tích cực trong việc hình thành nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ.

Toàn tỉnh Hưng Yên hiện còn bảo lưu được 1.802 di tích các loại; trong đó 445 di tích đã được xếp hạng và 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, cùng hàng nghìn tài liệu, hiện vật cổ vật có giá trị. Trong kho tàng văn hoá phi vật thể, tại Hưng Yên có hơn 500 lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội có quy mô lớn, đặc sắc và có 2 lễ hội truyền thống được đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia. Đây là những di sản quý báu, là cốt lõi của bản sắc văn hoá dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người dân Hưng Yên.

Toàn tỉnh có 1 Nghệ nhân Ưu tú được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", 34 cá nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú". Đây là những nghệ nhân có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Toản trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị. 

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa X, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế đẩy mạnh phát triển văn học nghệ thuật. Hằng năm, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều dành một nguồn kinh phí thỏa đáng cho phát triển văn hóa - xã hội. Điều này đã tạo điều kiện cho văn hóa, văn nghệ phát triển; giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và đã thu được những thành tựu quan trọng.

Tin, ảnh: Đỗ Huyền (TTXVN)