09:12 22/09/2019

Phát triển trái cây thành ngành hàng chiến lược - Bài 1: Đa dạng trái cây xuất khẩu

Với mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD trong năm 2019, ngành sản xuất và xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã đặt ra nhiều nhiệm vụ như: xây dựng vùng nguyên liệu trái cây có chất lượng ổn định, phục vụ cho hoạt động chế biến và xuất khẩu, mở rộng thị trường trái cây Việt, tăng khả năng cạnh tranh cho trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới lẫn thị trường nội địa…

Các nhiệm vụ này đều nhằm mục đích thúc đẩy ngành hàng trái cây Việt Nam trở thành một trong những ngành hàng chiến lược của nền nông nghiệp.

Bài 1: Đa dạng trái cây xuất khẩu

Trái cây Việt Nam hiện đã có mặt ở 60 quốc gia trên thế giới, mức tăng trưởng bình quân là 15%/năm. Để có thể giữ được mức tăng trưởng này, toàn ngành đã đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm trái cây đa dạng, thay vì chỉ xuất khẩu trái cây tươi, thời gian bảo quản ngắn như hiện nay. 

Áp dụng công nghệ chế biến sâu

Chú thích ảnh
Đóng gói xoài tươi chuẩn bị cho xuất khẩu. Ảnh: Đức Nhung/TTXVN

Qua khảo sát người tiêu dùng nội địa và người tiêu dùng nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng, trái cây tươi có vị tươi ngon, nhưng trái cây chế biến cũng có hương vị riêng. Đặc biệt, trái cây chế biến có thể sử dụng lâu hơn, bảo quản đơn giản và phù hợp với những sự kiện lễ tết, ngày hội lớn… 

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinamit cho biết, trong những dịp lễ Giáng sinh, dịp Tết Nguyên đán, những ngày hội thể thao thế giới và khu vực châu Á, hầu hết người tiêu dùng đều lựa chọn sản phẩm trái cây chế biến để sử dụng cho ngày hội này. Đây chính là lý do và cũng là động lực để ngành trái cây tiếp tục đầu tư công nghệ chế biến sâu các sản phẩm trái cây Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong số các loại trái cây xuất khẩu ra thị trường thế giới, trái thanh long chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam. Mặc dù cây thanh long được trồng ở 20 quốc gia trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn chiếm diện tích cao nhất, đạt 49.000 ha. Trái thanh long Việt Nam hiện đã có mặt tại 40 quốc gia khắp các châu lục. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm 80% sản lượng xuất khẩu tươi. 

Khi Việt Nam có một loại trái cây chiếm số lượng lớn như vậy, bài toán đặt ra là làm sao để trái thanh long thuận lợi phát triển trong thời gian tới, không bị rơi vào “ngõ cụt” khi chỉ đi vào một thị trường với số lượng lớn.

Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng, hiện công nghệ chế biến trái thanh long nói riêng và các loại trái cây nói chung không còn là vấn đề khó đối với các doanh nghiệp đầu tư chế biến trái cây. Công ty Vinamit cũng đã thực hiện chế biến đa dạng các sản phẩm từ trái thanh long như: thanh long sấy lạnh, sấy dẻo, sấy chân không, sữa chua sấy thanh long,… Hầu hết các sản phẩm chế biến này đều thuận lợi khi ra thị trường thế giới và được ưa chuộng, lựa chọn trong tiêu dùng hàng ngày.

Ngoài sản phẩm thanh long chế biến đa dạng, các loại trái cây khác cũng đã được các doanh nghiệp đưa vào chế biến sâu như: sấy dẻo, sấy muối ớt, sấy lạnh đối với các loại trái cây như: mận, mãng cầu, nho, ổi, xoài, chuối, mít, sầu riêng, khoai môn…

Đồng thời, các loại trái cây này cũng được chế biến thành các loại nước trái cây để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng. Bằng cách chế biến này, nguồn nguyên liệu trái cây của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nguồn nguyên liệu trái cây cả nước nói chung có thể được tiêu thụ tốt khi vào chính vụ, không rơi vào cảnh được mùa, mất giá như trước đây. 

Tăng cường quảng bá hình ảnh

Theo đánh giá của các chuyên gia, trái cây Việt Nam đã có mặt ở 60 thị trường trên thế giới, nhưng việc được cấp phép nhập khẩu chỉ mới là giai đoạn đầu của mục tiêu phát triển ngành. Bởi, dù được cấp phép nhập khẩu nhưng nếu không có hoạt động quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại các sản phẩm đến người tiêu dùng thì lượng tiêu thụ vẫn không được như mong muốn. 

Đơn cử, trái cây Mỹ tiến vào các thị trường khác; trong đó, có Việt Nam đều được người tiêu dùng lựa chọn và tiêu thụ rất tốt, khâu quảng bá hình ảnh, chất lượng gây ấn tượng sâu sắc đối với người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới. Ví dụ, riêng  với trái việt quất, các nhà khoa học và doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Mỹ đã thực hiện đến 42 nghiên cứu khoa học về lợi ích cho sức khỏe khi dùng loại trái này. 

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trái cây Việt Nam cũng phải thừa nhận, cách  làm này vừa thu hút thị hiếu người tiêu dùng, vừa giúp nâng giá trị sản phẩm. Trong khi đó, hiện Việt Nam cũng đã xuất khẩu được các loại trái cây tươi sang Mỹ như: thanh long, vải, xoài… nhưng lại thiếu các công trình nghiên cứu về tác dụng bổ dưỡng của các loại trái này.  Như vậy có thể thấy, khi chưa có những nghiên cứu khoa học đi kèm, khâu quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam còn vướng mắc chưa thể tháo gỡ.

Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), trong giai đoạn 2016 - 2021, thị trường rau củ quả của thế giới có tốc độ tăng trưởng gần 2,9%. Đồng thời, dân số thế giới tăng thêm 2,5 tỷ người trong giai đoạn 2011 đến 2020. Do đó, nhu cầu tiêu thụ rau quả, trái cây còn tiếp tục tăng trưởng. 

Trên thị trường thế giới, thị trường rau quả chiếm hơn 59% trong  nhóm thực phẩm tươi sống toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thị trường thế giới tăng 3,6%/năm trong khi khả năng tăng trưởng sản xuất chỉ 2,6% năm… Chính vì vậy, ngành chế biến, xuất khẩu trái cây Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển ra thị trường thế giới nếu được quảng bá hình ảnh và xúc tiến thương mại tốt. 

Đại diện Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, với tăng trưởng của tiêu dùng thế giới sẽ tạo điều kiện để trái cây Việt Nam tăng trưởng.

Vì vậy, ngoài việc tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị chế biến sâu trái cây như quả đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, đông lạnh…, các địa phương sản xuất trái cây khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học có những bài nghiên cứu các thành phần có trong từng loại trái cây, công dụng của các thành phần này đối với sức khỏe con người, thực hiện công bố các bài nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông. Đây là cơ sở thuyết phục nhất để làm nền tảng cho quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam tại thị trường nội địa, lẫn thị trường nước ngoài.

Khi càng có nhiều bài nghiên cứu công bố tác dụng tích cực của các loại trái cây Việt Nam đối với sức khỏe, việc mở rộng thêm thị trường mới cho trái cây Việt Nam sẽ không còn khó khăn.

Bài 2: Xây dựng vùng nguyên liệu vững chắc

Hồng Nhung – Thanh Trà (TTXVN)