07:15 29/07/2020

Phát triển toàn diện kinh tế biển - Bài 1: Chú trọng đầu tư hạ tầng

Kinh tế biển Kiên Giang phát triển khá toàn diện trong 10 năm qua, đến nay chiếm gần 74% GRDP toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chú thích ảnh
Tàu cá trên vùng biển thành phố Hà Tiên. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành trên cả nước có biển, ven biển, hệ sinh thái vùng ngập mặn, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Vùng biển của tỉnh khoảng 63.290 km², bờ biển dài hơn 200 km, hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 43 đảo có cư dân sinh sống và Phú Quốc là đảo lớn nhất với diện tích 593 km². Đặc biệt, Kiên Giang có 2 huyện đảo là Phú Quốc, Kiên Hải và phần đất liền ven biển trải dài trên địa bàn 7 huyện, thành phố với 68/145 xã, phường, thị trấn. Từ vị trí và điều kiện tự nhiên đó, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế biển. Đây là cơ sở thuận lợi để Kiên Giang khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển trong “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, kinh tế biển Kiên Giang phát triển khá toàn diện, đến nay chiếm gần 74% GRDP toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho hay, thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam” thời gian qua, tỉnh tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sản lượng khai thác 500.000 - 600.000 tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản vùng ven biển phát triển khá nhanh và đa dạng, sản lượng đạt hơn 217.000 tấn/năm, trong đó tôm nuôi hiện nay hơn 80.000 tấn/năm.

Việc quy hoạch, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo được tăng cường, các ngành nghề khai thác tiềm năng biển, ven biển, hải đảo tăng về sản lượng, giá trị. Tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên.

Theo đó, nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm về giao thông, thủy lợi, điện, nước, cảng biển, sân bay, đường hành lang ven biển, khu neo đậu tàu thuyền, trường học, trạm y tế cho các xã ven biển, hải đảo và phát triển du lịch vùng ven biển, hải đảo được đầu tư phát triển mạnh. Một số dự án du lịch quy mô lớn hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phục vụ du khách, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và mạnh du lịch biển Kiên Giang có bước phát triển khá mạnh.

Điển hình như đưa điện lưới quốc gia ra vùng hải đảo đến nay, tỉnh đã hoàn thành các dự án ra xã đảo Hòn Tre, Lại Sơn (Kiên Hải), Hòn Nghệ, Sơn Hải (Kiên Lương), Tiên Hải (TP. Hà Tiên) và huyện đảo Phú Quốc (không tính xã Thổ Châu), góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất toàn tỉnh đạt 99,5%. Mặt khác, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đầu tư dự án xây dựng đường dây 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc chiều dài gần 81 km, trong đó đường dây vượt biển từ điểm tiếp bờ Kiên Bình (Kiên Lương) đến điểm tiếp bờ đảo Phú Quốc dài hơn 64 km. Dự kiến, dự án sẽ đóng điện trước Tết Nguyên đán 2021, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quốc.

Ngoài ra, xây dựng hoàn thành nhiều dự án, công trình đưa vào khai thác kinh tế biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật trên đảo Phú Quốc và các xã đảo, đường ven biển Rạch Giá - Hòn Đất, đường tỉnh ĐT.963B Bến Nhứt - Giồng Riềng. Hiện, tỉnh tiếp tục triển khai đường ven biển Rạch Giá - Châu Thành, nâng cấp quốc lộ 80 đoạn Hà Tiên - Kiên Lương và quốc lộ 61 đoạn Rạch Giá - Minh Lương…

Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn ven biển phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và kết nối với mạng lưới đường tỉnh, huyện và quốc lộ, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn vùng biển. Tiếp đến, tỉnh đã triển khai dự án Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc tổng mức đầu tư 4.844 tỷ đồng và Cảng hành khách Rạch Giá tổng mức đầu tư 410 tỷ đồng.

Cùng với đó, Kiên Giang thực hiện nhiều công trình quản lý chống xói mòn, sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế cho dân cư ven biển. Cụ thể là xây dựng kè chống sạt lở ven biển Mũi Rãnh (An Biên), Mũi Nai (TP. Hà Tiên), ven biển Bình Giang (Hòn Đất)… Xây dựng hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây đoạn phía bắc Hà Tiên - Rạch Giá, đến nay đã đầu tư hoàn chỉnh 22 cống thủy lợi phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt và điều tiết nước cho vùng sản xuất ven biển phía nam quốc lộ 80 thuộc địa bàn thành phố Rạch Giá và 2 huyện Hòn Đất, Kiên Lương. Xây dựng hệ thống cống trên đê biển Tây đoạn phía nam An Biên - An Minh giáp ranh giới tỉnh Cà Mau, đến nay tỉnh đã đầu tư hoàn chỉnh 6 cống ngăn mặn, giữ ngọt và đang triển khai thực hiện 27 cống trên tuyến đê biển này.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình khẳng định: “Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn ven biển, hải đảo với nhiều dự án, công trình đưa vào khai thác, sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phát triển kinh tế biển trên các lĩnh vực khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, thu hút đầu tư, phát triển du lịch biển và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn hơn 3%. Đây là cơ sở, nền tảng vững chắc, điều kiện thuận lợi để Kiên Giang tiếp tục khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển trong “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.”

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh kinh tế biển phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Theo đó, tỉnh tập trung nguồn lực khẩn trương đẩy nhanh tốc độ xây dựng Kiên Giang trở thành địa phương biển mạnh của vùng biển và ven biển Tây Nam bộ, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển. Cụ thể là như: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa biển, hình thành văn hóa sinh thái biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển, biển xâm thực vùng ven biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, ứng dụng khoa học mới, tiên tiến, hiện đại thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh.

Phát triển toàn diện các lĩnh lực kinh tế biển, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển chiếm 80% GRDP toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người của các huyện, thành phố ven biển gấp 1,5 lần so với mức bình quân của tỉnh; cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp chiếm trên 80% tổng GRDP; thu hút khách du lịch tăng 30 - 50% so với năm 2020, xuất khẩu thủy sản tăng bình quân 10%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ về điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục…

Tỉnh quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, duy trì tỷ lệ che phủ rừng ven biển, phòng chống, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.

Tầm nhìn phấn đấu đến năm 2045, Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo hướng bền vững, an ninh, an toàn và kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình chia sẻ, tỉnh tập trung đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế biển theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, tăng sản lượng, giá trị sản phẩm. Cụ thể là khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, phát triển văn hóa - xã hội vùng biển đảo và ven biển…

Bài 2: Khai thác thủy sản bền vững, hiệu quả

Lê Huy Hải (TTXVN)